Wednesday, January 29, 2014

Giải mật thiết kế tàu chiến KBO-2000 Nga dành cho Việt Nam

Trước khi Việt Nam đặt mua tàu hộ vệ Gepard 3.9, phía Nga đã từng thiết kế tàu hộ tống cỡ 2.000 tấn theo yêu cầu của Việt Nam.


Ngay từ những năm 1990, nhằm tăng cường sức mạnh hải quân bảo vệ biển đảo Tổ quốc, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã được chú trọng đầu tư, hiện đại hóa với việc mua sắm tàu chiến mới (điển hình là các tàu hộ tống tên lửa Project 1241RE). Ngoài các tàu nhỏ, hải quân ta cũng bắt đầu tìm kiếm tàu chiến trang bị tên lửa cỡ lớn hơn, đó là cơ sở để dẫn tới sự ra đời tàu hộ vệ tên lửa cỡ 2.000 tấn KBO 2000.

Theo tạp chí Jane’s Defence Weekly (bài đăng ngày 24/3/1999), Cục thiết kế dự án phương Bắc Nga (SPKB) đã hoàn thành thành công (ở thời điểm năm 1999) việc thiết kế tàu hộ vệ KBO 2000 (Project 2100) cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.


 Mô hình tàu hộ vệ tên lửa KBO 2000 (Project 2100) trưng bày tại triển lãm MAKS 2011 ở Moscow.

SPKB và Việt Nam vẫn còn đang hoàn thiện hệ thống chiến đấu tàu hộ vệ, lựa chọn vũ khí phù hợp và sẽ sớm bắt đầu đóng tàu.

Theo một số tài liệu ít ỏi từ Nga, tàu hộ vệ tên lửa KBO 2000 (Project 2100) có lượng giãn nước 2.100 tấn, dài 104,8m, rộng 13,6m, tốc độ tối đa 30 hải lý/h, tầm hoạt động 4.000 hải lý, dự trữ hành trình 30 ngày.

Tàu được trang bị radar trinh sát đường không/mặt biển Fregat MA1, radar điều khiển hỏa lực pháo – tên lửa cùng các hệ thống thông tin liên lạc khác. Ngoài ra, có thể tàu cũng được trang bị hệ thống định vị thủy âm để phát hiện tàu ngầm địch.

Về mặt hỏa lực, KBO 2000 trang bị pháo hải quân hạng nặng A-190E; 8 tên lửa hành trình chống tàu cận âm Uran-E; tổ hợp tên lửa phòng không Klinok; pháo phòng không AK-630 và ngư lôi chống tàu ngầm.


 Bố trí bệ phóng tên lửa KBO 2000 đặt ngay sau tháp pháo A-190E, cách bố trí này khá giống cách sắp đặt tàu hộ vệ lớp Kora của Ấn Độ.

Trong số các loại hỏa lực của KBO 2000 thì cái tên Uran-E (đặt ngay sau tháp pháo A-190E và trước tháp chỉ huy) và AK-630 (đặt trước sân đáp trực thăng) là không có gì lạ khi đây là 2 loại vũ khí phổ biến trên các chiến hạm hiện đại của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Còn A-190E là tổ hợp pháo đa nhiệm hạng nhẹ (cỡ 20 tấn) thường được trang bị cho các tàu chiến cỡ nhỏ và cỡ trung. Một tổ hợp gồm pháo A-190E cỡ 100mm, radar điều khiển hỏa lực 5P-10E và đạn pháo 100mm. Theo thiết kế, pháo có thể đạt tốc độ bắn lên tới 80 phát/phút, diệt mục tiêu trên mặt biển cách xa 20km (thời gian phản ứng 10-15 giây), trên không cách xa tối đa 15km (thời gian phản ứng nhỏ hơn 5 giây.


 Pháo hải quân A-190E cỡ 100mm.

Hệ thống phòng không chủ lực của KBO 2000 mang tên Klinok (NATO định danh là SA-N-9) là biến thể xuất khẩu của tổ hợp phòng không trên hạm Yozh – biến thể trên bộ mang tên Tor-M1. Căn cứ vào mô hình tàu hộ vệ KBO 2000, có 3 module chứa 24 đạn tên lửa tổ hợp Klinok phóng theo phương thẳng đứng được đặt ngay trước sân đáp trực thăng.

Tổ hợp tên lửa Klinok trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực đa kênh 3R95 gồm radar bám bát mục tiêu G-band (tầm trinh sát 45km) và radar khóa mục tiêu có tầm theo dõi 15km.

Đặc biệt, hệ thống điều khiển 3R95 có thể cung cấp thông tin mục tiêu cho tổ hợp pháo AK-630 trên tàu để dựng lưới lửa đối phó với mục tiêu máy bay cánh bằng, trực thăng, tên lửa hành trình, bom có điều khiển, UAV…

Tổ hợp dùng đạn tên lửa đối không tầm ngắn 9M331 nặng 167kg, dài 2,9m, đường kính thân 235mm, lắp đầu nổ phá mảnh 15km, đạt tầm bắn xa 12km, độ cao diệt mục tiêu 6.000m, dùng hệ dẫn vô tuyến.

Hệ thống radar điều khiểu hỏa lực có thể theo dõi và dẫn đường 8 tên lửa 9M331 tấn công 4 mục tiêu cùng lúc, hệ thông có thể phản ứng trong thời gian 8-24 giây, phụ thuộc vào chế độ hoạt động và điều khiển của kíp 13 người.


 Tàu có khả năng chở một trực thăng Ka-27/28, ở đuôi tàu cũng được bố trí hệ thống phóng thẳng đứng tổ hợp tên lửa Klinok.

Không rõ hệ thống ngư lôi chống tàu ngầm nào trang bị cho KBO 2000, nhưng căn cứ theo hình ảnh mô hình KBO-2000 của trang mạng bastion-karpenko.ru thì rõ ràng con tàu được thiết kế với hệ định vị thủy âm chứa trong thân tàu. Như vậy tàu có khả năng phát hiện tàu ngầm, ngoài ra ở đuôi tàu còn có sân đáp lớn dành cho trực thăng săn ngầm Ka-27/28, tuy nhiên không có nhà chứa máy bay.

Nhìn chung, hỏa lực của KBO 2000 không quá vượt trội hơn so với tàu hộ vệ Gepard 3.9, ngoài có thêm khả năng chống tàu ngầm.

Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao mà dự án tàu hộ vệ KBO 2000 đã không được tiếp tục. Sau cùng, năm 2007 Việt Nam đã ký mua 2 tàu hộ vệ Gepard 3.9 Project 11661E và nhận lần lượt vào năm 2011. Đến năm 2012, chúng ta lại ký mua tiếp 2 chiếc Gepard 3.9 cải tiến. Có khả năng, KBO 2000 khi đó không đáp ứng được yêu cầu mà phía Việt Nam đưa ra.


(Kiến Thức)



Giải mật thiết kế tàu chiến KBO-2000 Nga dành cho Việt Nam

No comments:

Post a Comment