Saturday, August 17, 2013

Tự tử trên sông Hồng - chuyện kể nhân ngày xá tội vong nhân

Những đợt mưa cứ nối nhau đổ nước xuống trần gian. Tháng Bảy về rồi! Ông Ngâu, bà Ngâu gặp nhau, nước mắt chảy thành sông. Tháng này nhà nhà nhớ tới những người đã đi xa, đặc biệt là những vong hồn đã bỏ mình trên khắp cõi nhân gian.



Đâu đâu cũng tổ chức cúng tế các vong hồn, xá tội vong nhân, cầu mong những vong hồn được siêu thoát về cõi Niết bàn. Có biết bao nhiêu vong hồn bỏ mình nơi chiến trận, trong những tai nạn giao thông trên bộ, trên sông? Cũng có những người chỉ vì những suy nghĩ tuyệt vọng nhất thời mà tìm đến cái chết.


Cầu Thăng Long - nơi nhiều người tuyệt vọng đã gieo mình tự tử.

Cầu Thăng Long – nơi nhiều người tuyệt vọng đã gieo mình tự tử.


Cầu Thăng Long và chuyện ám ảnh về trụ cầu số 6


Ở Hà Nội, từ khi có những cây cầu Thăng Long, Chương Dương bắc qua sông Hồng thì những cây cầu này là nơi không ít người muốn từ giã cõi đời chọn làm nơi gieo mình.


Cầu Chương Dương còn có tổ CSGT ngăn chặn được nhiều vụ nhảy cầu, còn cầu Thăng Long thì dài quá, mà có tới 2 tầng, nên những vụ nhảy cầu ở đây thường vô phương cứu chữa.


Những bảo vệ ở trạm gác bên bờ Bắc cầu Thăng Long kể lại: Nơi trụ số 6 về phía bờ Bắc là nơi những người quyên sinh thường chọn để nhảy cầu. Không biết ở đó có ma xui quỷ ám gì không? Nhưng những người tự tử thường hay chọn chỗ này lắm! Thường thì họ đi xe máy đến giữa cầu, rồi để xe máy còn cắm khoá và nhảy xuống sông.


Mùa này nước to, chênh lệch giữa thượng lưu và hạ lưu rất lớn, khi nhảy xuống gặp xoáy nước thì người bơi giỏi cũng bị xoáy nước cuốn đi ngay. Mà lạ, xe máy và đồ dùng của những người tự tử, để lại trên cầu không ai dám động vào. Từ các con nghiện đến mấy tay đầu trộm đuôi cướp, khi nhìn thấy xe của người nhảy cầu đều dựng thẳng chân chống giữa và báo cho bảo vệ cầu, tuyệt đối không dám động đến xe cũng như bất cứ đồ vật gì còn để lại.


Mà đối tượng nhảy cầu thì ngày càng đa dạng: Làm ăn thua lỗ, nợ nần, thất tình và đủ thứ lý do để những người tuyệt vọng tìm đến cái chết.


Có cậu thanh niên bị bố mẹ mắng, tức mình nhảy xuống sông mấy ngày mới nổi; có ông bố buồn vì con thi trượt đại học cũng ra giữa cầu gieo mình xuống sông; có cô bé tuổi “teen” xin tiền mua điện thoại di động bố mẹ không cho, ấm ức quá cũng nhảy xuống sông.


Những người nhảy xuống sông thì thật nhẹ nhàng, “tùm” một cái là xong. Nhưng khổ cho những người sống. Những người để lại địa chỉ, số điện thoại của gia đình để liên lạc còn đỡ, nhiều người không để lại gì, làm gia đình phải đi tìm hết ngày này sang tháng khác, hễ nghe tin ở đâu vớt được xác chết là tìm đến để nhận dạng. Có gia đình khi tìm thấy thì hình hài đã biến dạng.


Người hai bên sông kể lại, khu vực thượng và hạ lưu cầu Thăng Long vào mùa nước hay có xác người trôi về. Khu thượng lưu cầu, phía trước đình Chèm, tương truyền gia đình nào có người chết sông thường sắm lễ vào xin với Đức ông rất linh nghiệm, nếu xác từ thượng nguồn, thường dạt vào quanh khu vực đình.


Ở đây, có mấy gia đình sống dưới thuyền chuyên bán đồ ăn thức uống cho tàu bè qua lại trên sông. Những thuyền này thường xuyên chứng kiến cảnh những người nhảy cầu, nhưng cũng không thể cứu được, có thể vì lời nguyền sông nước, nhưng muốn cứu những người nhảy cầu cũng khó có thể thực hiện được vì sông rộng mênh mông, khoảng cách quá xa không thể ứng cứu kịp thời. Họ thường làm nhân chứng và đứng ra thuê mò tìm xác người xấu số.


Việc tìm kiếm quanh cầu Thăng Long thường do bà con chài lưới phường Phú Thượng, Q.Tây Hồ đảm nhiệm.


Họ là những đàn ông, đàn bà quen với sông nước, với những lưới quét, lưỡi câu chùm. Theo chỉ dẫn của nhân chứng, họ nương theo dòng chảy và rà. Cứ 2 thuyền 1, rà từ thượng nguồn tới hạ lưu, rồi lại rà ngược lên. Cứ cần mẫn cả ngày.


Họ yêu cầu người nhà, những người nào thân và hợp với người xấu số ngồi trên thuyền vừa khấn vừa gọi tên, để người dưới sông biết người nhà đang tìm, mau về với gia đình. Họ không cho những người thường xung khắc với người xấu số ngồi cùng thuyền tìm kiếm. Họ bảo “vong” sẽ giận không chịu về.


Không biết quy định này có linh nghiệm không? Nhưng, phần lớn những người đi tìm là người thân và gần gũi, nên dù vất vả, cuối cùng cũng thường tìm.


Việc tìm kiếm đã vất vả, việc đưa xác vào bờ mới là trần ai. Nếu đưa xác lên thuyền thì gia đình phải mua chiếc thuyền đó, vì chiếc thuyền đó coi như bỏ! Khổ thân tang quyến, tìm thấy người thân rồi mà lênh đênh giữa sông mặc cả với ông vạn chài thì biết trông vào ai? Nhiều gia đình phải bấm bụng trả tiền với giá trên trời để đưa được người thân lên thuyền.


Nhiều bà con dân chài thương cho hoàn cảnh gia đình, đề xuất dìu lên bờ, họ chỉ lấy tiền tắm rửa thay quần áo thôi – gặp được những người như thế là may mắn lắm!


Đừng tuyệt vọng! 


Việc đưa xác lên bờ còn trần ai vất vả hơn. Hai bên bờ sông Hồng giờ đã trở thành khu dân cư cả rồi, đưa vào bờ nào cũng bị xua đuổi, vì các làng đều không muốn cho người chết sông đi qua làng mình vì sợ xui xẻo, đến đâu cũng bị từ chối. May mắn lắm mới tìm được vạt cỏ hay ruộng rau của ai đó, đưa lên rồi trả tiền cho người ta.


Những tưởng tìm được xác, đưa lên bờ là có thể gọi xe đưa về nhà lạnh, lo thủ tục tang lễ, nhưng không! Ông nhà tang lễ hỏi xác nhận của công an đâu? Phải có xác nhận của công an họ mới chở! Người nhà khi đó mới cuống cuồng đi báo công an.


Cơ quan công an vào cuộc xác minh, kiểm tra xác định đúng là chết đuối, người nhà phải làm tường trình, trả lời các câu hỏi của công an, rồi còn phải làm đơn xin với pháp y không mổ xác nếu không có gì nghi vấn. Sau đó còn chờ đại diện Viện Kiểm sát đến kiểm tra và cho ý kiến cuối cùng. Khi đó cơ quan công an mới xác nhận. Cuối cùng nhà tang lễ mới cho xe vào chở xác. Đến lúc đó thì tại nơi để tử thi, những người hiếu kỳ đã xúm đen xúm đỏ vừa xem vừa bình luận với đủ mọi giả thuyết trên trời dưới biển.


Những người nhảy cầu đã về với sông với biển. Họ ra đi thật nhẹ nhàng. Chỉ khổ cho những người còn sống, phải gánh biết bao hệ luỵ từ cái chết của họ.


Sau tang ma còn phải làm lễ cúng để gọi hồn từ dưới sông lên trở về nhập mộ, để vong hồn được siêu thoát, không lang thang gây tai ương cho người khác. Chưa hết, những người còn sống phải hằng ngày chịu đựng những đàm tiếu của người đời còn đeo đẳng mãi không thôi.


Một mùa Xá tội vong nhân nữa lại về! Những vong hồn đang được gia đình và đồng loại nhớ đến và cầu siêu cho hồn an lành nơi chín suối. Cuộc đời ai cũng có cái kết cục của riêng mình. Những giây phút tuyệt vọng, những nông nổi, kể cả oan ức… rồi cũng đều sẽ qua đi!


Ngày hôm nay không trách ngày hôm qua! Chỉ mong sao những người đang sống mà đang có ý định từ giã cõi đời này, hãy cân nhắc biết yêu quý cuộc sống của mình đang có, không có gì con người không thể vượt qua được!


Được sống ở trên đời, được vui, buồn, hờn, giận là hạnh phúc lắm lắm của mỗi người chúng ta! Hãy đừng vì 1 phút tuyệt vọng, thiếu nghĩ suy mà từ bỏ cõi đời này, làm khổ những người thân yêu với những nỗi đoạn trường tôi đã viết ở trên đây.


(BLĐ)



Tự tử trên sông Hồng - chuyện kể nhân ngày xá tội vong nhân

No comments:

Post a Comment