Friday, August 23, 2013

Hồi sinh quy định "ngực lép" không được lái xe máy

Quy định người có số đo vòng ngực dưới 72cm không được đi xe máy trên 50cm3 do Bộ Y tế ban hành vào năm 2008 một thời gây “bão dư luận” và đã bị đình chỉ nay lại có thể được áp dụng.


Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải đang cùng nhau xây dựng “Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe” (gọi tắt là Dự thảo).


Đáng chú ý trong quy định của Dự thảo này, những tiêu chuẩn từng gây phản ứng dữ dội từ dư luận từ 5 năm trước như “ngực lép”, thấp bé, nhẹ cân… không được lái xe máy trên 50cm3 gần như vẫn được giữ nguyên.


Theo đó, Tiêu chuẩn sức khỏe trong Dự thảo được áp dụng để khám sức khỏe cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt là người lái xe), bao gồm khám tuyển và khám định kỳ.


Khám tuyển là khám sức khỏe cho người vào học lái xe, người dự thi nâng hạng giấy phép lái xe, tuyển dụng lái xe. Khám định kỳ là khám sức khoẻ cho người đổi giấy phép lái xe, khám sức khỏe định kỳ theo qui định của pháp luật hiện hành.


Nếu người có một trong 83 tiêu chí về thể lực hoặc chức năng sinh lý, bệnh tật (có hoặc không có các thiết bị trợ giúp) theo qui định tại Tiêu chuẩn này sẽ không đủ điều kiện về sức khỏe để lái xe.


Quy định ngực lép không được lái xe trên 50cm3 sẽ tiếp tục gây bão dư luận?

Quy định ngực lép không được lái xe trên 50cm3 sẽ tiếp tục gây bão dư luận?


Cụ thể, về tiêu chí thể lực, Dự thảo này quy định người cao dưới 1,45m, nặng dưới 40kg và vòng ngực dưới 72cm sẽ không được lái xe hạng A1 (xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 đến dưới 175cm3).


Cạnh đó, lực bóp tay thuận phải đạt trên 26kg, lực bóp tay không thuận trên 24kg và lực kéo thân phải trên 70kg. Nếu không đạt một trong 6 tiêu chí thể lực trên sẽ không đủ điều kiện để lái xe trên 50cm3, không phân biệt giới tính.


Cũng theo quy định của Dự thảo, điều kiện lái các loại xe hạng giấy phép B1 (xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg không kinh doanh vận tải) cũng tương tự hạng A1 nhưng người lái xe phải cao hơn 1,5m. Người lái xe mô tô trên 175cm3, ô tô chở người từ 10 trở lên, ô tô tải, đầu kéo có rơmoóc từ 350kg trở lên phải cao hơn 1,62m, nặng trên 47kg và có vòng ngực lớn hơn 78cm.


Ngoài 6 tiêu chí về thể lực, Dự thảo còn quy định 77 loại tiêu chí khác quy định về chức năng sinh lý, bệnh tật . Đặc biệt trong đó có quy định những người bị bệnh da liễu, trĩ, suy thận… ở một số cấp độ khác nhau sẽ không đủ điều kiện lái những loại xe khác nhau.


Trước đây 5 năm, tháng 10/2008, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đã “tuýt còi” quyết định số 33/QĐ – BYT của Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và quyết định 34/2008/QĐ – BYT về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe người khuyết tật điều khiển mô tô, xe ba bánh.


Theo Cục kiểm tra VBQPPL, việc quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ phải do liên bộ liên tịch ban hành. Bộ Y tế tự ban hành Quyết định số 33 và 34 là không đúng thẩm quyền.


Việc đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn (cũng 83 tiêu chuẩn), đặc biệt có những tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, vòng ngực và một số tiêu chuẩn khác không phù hợp đã hạn chế quyền hiến định của công dân trong việc sử dụng tài sản, phương tiện giao thông. Mặt khác, những quy định này tạo ra sự đối xử không cần thiết với một số công dân có hạn chế các tiêu chuẩn đưa ra.


Cục Kiểm tra VBQPPL cũng cho rằng việc đưa ra một loạt các tiêu chuẩn về sức khỏe chưa đảm bảo về tính hợp lý, không thực sự cần thiết, không gắn với yêu cầu đặc định đối với việc điều khiển các phương tiện giao thông khác nhau.


(BTT)



Hồi sinh quy định "ngực lép" không được lái xe máy

No comments:

Post a Comment