Năm nay, gia đình anh Năm – chị Hải gói nhiều bánh chưng hơn năm ngoái, sắm thêm cả giò, thịt cá để lo Tết cho các con. Gia đình có 14 người con vẫn ước mong một cái Tết đủ đầy giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống.
Những ngày cuối năm Quý Tỵ 2013, gia đình có 13 con giữa Thủ đô Hà Nội đang đón đứa con thứ 14 của mình. Đó là kết quả của chị Đặng Thị Hải (43 tuổi) và anh Năm ở làng Cồ Bản, phường Đồng Mai, Hà Đông sau 25 năm cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình.
Căn lều của gia đình có 14 con ở Hà Nội nằm chênh vênh giữa cánh đồng
Căn lều ọp ẹp là nơi ở của 16 con người
Thông tin chị vừa sinh thêm đứa con thứ 14 chắc còn khá mới mẻ với nhiều người. Trong căn lều ọp ẹp dựng giữa cánh đồng, cháu nhỏ thứ 14 ra đời khi những ngày Tết Giáp Ngọ 2014 đang cận kề. Tất bật với công việc kiếm thêm đồng tiền lo Tết cho đại gia đình, chị Hải quên luôn ngày sinh nở của mình. Chị kể: “Đang làm việc giữa đồng, đau trở dạ, tôi bảo các cháu về nhà gọi người đến giúp để sinh nở. Từng ấy con nhưng đã có lần nào đến viện sinh nở đâu. Các cháu đều được sinh trong căn lều rách nát này”.
Chị Đặng Thị Hải vừa bế con, vừa nhóm bếp chuẩn bị cơm cho cả gia đình
Trong khi đó, cháu Hoàng đang vớt con cá chết ở ao để nấu cho lợn ăn
Một thành viên trong gia đình đang băm rau cho lợn và gà ăn
Người phụ nữ gầy gò, làn da đen sạm tất bật lo cho các con, từ đứa lớn đến đứa bé. “Các cháu đều tuổi ăn tuổi học, tôi và chồng xây dựng gia đình với nhau năm 1988, từ đó đến nay, trong 25 năm, hai vợ chồng sinh liên tiếp 14 đứa con, trong đó có 8 con trai và 6 con gái, thường thì mỗi đứa cách nhau 2 năm, cũng có đứa chỉ cách nhau 1 năm”, chị Hải cho biết.
Đàn gà là tài sản lớn của anh Năm và chị Hải giữa cánh đồng
Số lợn còn nhỏ chưa thể xuất chuồng vào dịp Tết Giáp Ngọ
Trong số 14 người con, 3 đứa lớn nhất đã xây dựng gia đình, nhưng người con gái lớn nhất sinh năm 1989 hiện cũng đã bỏ chồng về sống cùng bố mẹ ở túp lều rách nát giữa đồng. Còn 6 đứa em đang đi học tại các trường tiểu học và trung học gần nhà, 1 em đang đi mẫu giáo, còn 2 em bé nhất ở nhà với bố mẹ. Cả gia đình quanh năm mò cua bắt ốc ở cái ao trước lều trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Bữa đói bữa no, gian an vất vả càng nặng gánh khi chồng chị Hải lâm bệnh. Tăng gia bằng vài con gà, con vịt và ao cá, thu nhập hàng ngày không có mà chỉ trông vào cuối năm, nên hầu như những bữa ăn hàng ngày không bao giờ có thịt cá mà chỉ có rau nhặt nhạnh được trên cánh đồng.
Căn lều tạm bợ, che chắn bởi chiếc bạt là nơi ở của hơn chục người trong gia đình anh Năm
Khu chuồng trại được xây dựng đơn sơ của gia đình anh Năm
Cả gia đình chen chúc trong căn lều rách nát giữa đồng. Gió thổi thông thốc vào lều khiến giấc ngủ của những đứa trẻ con không thể nào yên giấc. Không điện, không nước sạch, không ti vi… căn lều tuềnh toàng được che chắn bởi những tấm gỗ, tấm bạt, trong lều thì lộn xộn quần áo là tất cả tài sản mà gia đình anh chị có. Bữa cơm của cả gia đình ngày nào cũng như vậy, chỉ là những con tôm con cá bắt được ngoài đồng. Rau xanh gia đình cũng tự trồng để cải thiện bữa ăn.
Tết nghèo của gia đình đông con
Mỗi năm, Tết đến, gia đình chị Hải lại phải lo trăm bề. 14 đứa con, lo miếng ăn hàng ngày còn khó, huống chi là một cái Tết đủ đầy. Quanh năm mò cua bắt ốc, chỉ đủ lo ăn từng bữa, nên cái Tết lại càng khó khăn hơn với đại gia đình 14 con. Đối với gia đình anh Năm, ngày Tết không khác ngày thường là mấy, khi điều kiện kinh tế không cho phép, mỗi thành viên trong gia đình anh đều không mong chờ cái Tết như những gia đình khác. Ngày 30 Tết, mọi người trong gia đình vẫn làm việc bình thường, đứa lớn mò cua bắt ốc, đứa nhỏ phụ mẹ nấu thức ăn cho lợn gà… Cứ thế, ngày 30 trôi qua như không phải là thời khắc cuối cùng của năm cũ.
Nải chuối chị Hải lấy từ vườn vào để chuẩn bị cúng gia tiên trong ngày Tết
“Tết đến lại càng lo hơn các chú ạ. Nhà đông con, không lo được cho các cháu miếng ăn, cái quần cái áo mới mặc Tết cũng thấy thương chúng nó lắm. Nhưng gia cảnh vậy rồi, không thể làm gì khác được, nên cứ ngậm ngùi cho qua ngày Tết”, anh Năm buồn bã nói. Chúng tôi hiểu rõ nỗi lo của những người bố, người mẹ khi không thể lo cho lũ trẻ mỗi độ Tết dến xuân về. Đối với những gia đình ít con, lo Tết còn là cả một gánh nặng, nên với gia đình anh Năm – chị Hải với 14 đứa con, làm sao lo xuể khi kinh tế gia đình chỉ bám vào cái ao, sào ruộng giữa đồng.
Ngày Tết không đào, không hoa, không trang trí nhà cửa hay sắm sửa những vật dụng mới cho cả gia đình. Căn lều của anh chị cũng không đủ chỗ để đặt một cành đào trong ngày Tết. Đại gia đình chỉ mong sao có đủ miếng ăn, có được chiếc bánh chưng, cây giò trong ngày Tết là ấm cúng lắm rồi. Đôi khi, những ước mong thật giản đơn như vậy nhưng lại khó vô cùng đối với gia đình anh Năm – chị Hải.
Hai cháu nhỏ – con anh Năm – bắt cá lo cho bữa ăn của gia đình
Tuy khó khăn, nhưng vì thương các con nên đến Tết, vợ chồng anh Năm lại cố gắng chạy vạy để có nồi bánh chưng tự gói, rồi thêm nồi thịt để cho các con vui Tết. “Cuối năm gia đình lại cố gắng làm lụng, để ra ít tiền sắm gạo nếp để gói bánh cho các cháu ăn Tết. Năm nào đỡ hơn thì có thêm thịt cá, cũng cố gắng để các cháu không thấy tủi thân khi Tết về”, chị Hải nghẹn ngào nói. Còn về quần áo đón Tết của các con, anh chị cố gắng lo được cho các cháu nhỏ, còn những đứa lớn hiểu được hoàn cảnh gia đình nên cũng không đòi hỏi gì về điều đó.
Năm nay, gia đình anh Năm – chị Hải gói nhiều bánh chưng hơn năm ngoái, sắm thêm cả giò, thịt cá để lo Tết cho các con. Gia đình 14 người con vẫn ước mong một cái Tết đủ đầy giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống.
(Trí Thức Trẻ)
Tết nghèo của người phụ nữ 43 tuổi, sinh 14 con giữa Hà Nội
No comments:
Post a Comment