(Kênh 13) – Cuộc đời của Quỳnh Mai (SN 1992), ngập trong chuỗi bi kịch đẫm nước mắt: anh trai qua đời, cha mất trong tù, mẹ thụ án 14 năm và chính bản thân cô bị tật nguyền…
“Mẹ ơi, về với con đi, về ăn cơm cùng con! Con không muốn ở một mình nữa, con cần mẹ’
Hoa vẫn nở dù sỏi đá khô cằn
Quỳnh Mai sinh ra và lớn lên ở thôn C9A, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Gia đình Mai không giàu có, bởi người mẹ quanh năm đau ốm, bố chỉ làm một người thợ mộc bình thường, lại mang bệnh thận nặng. Gia đình Mai có 2 anh em, nhưng anh trai Mai chẳng may qua đời do bị ngã xuống giếng. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì đến lượt Mai ngã vào cái máy cưa của bố, cánh tay phải bị cắt lìa. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại lên cơn đau nhức. Mai kể, cứ 2 đến 3 năm, vết thương lại phình ra đau buốt phải đi cắt, đến giờ chỉ còn đến khuỷu tay.
Mất đi cánh tay, tuổi thơ của Mai gắn liền với sự cố gắng, cố gắng để tự đi xe đạp đến trường suốt 10 năm, cố gắng để viết chữ đẹp nhất lớp bằng tay trái, để năm nào cũng được trở thành học sinh giỏi và biến ước mơ làm cô giáo thành hiện thực… Từng mục tiêu cụ thể được Mai chinh phục, cô chiến thắng sự khiếm khuyết của thân thể bằng một nghị lực đáng khâm phục. Những tưởng, số phận đã mỉm cười với cô gái mang tên một loài hoa đẹp, nhưng một lần nữa tai họa ập xuống cô gái nhỏ. Đúng ngày tổng kết lớp 10, Quỳnh Mai nhận tin bố bị bắt vì vận chuyển ma túy thuê cho người khác.
Bố Mai bị suy thận độ 4, nỗi lo cơm áo gạo tiền cho gia đình đã làm người đàn ông này sa chân vào vòng tội lỗi. Với mọi người, có thể ông là một tội phạm vận chuyển ma túy nhưng với Mai, ông là một người bố vĩ đại luôn yêu thương, chiều chuộng cô. Bố vào tù, Mai như mất phương hướng vì mất đi chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Chưa kịp định thần, Mai tiếp tục phải chịu cảnh xa mẹ. Mẹ cô phải chịu án 14 năm tù vì tội bao che cho chồng. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, chưa đầy 2 năm sau khi vào tù, bố Mai mất vì sức khỏe quá yếu.
Bất kỳ ai phải chịu những tai họa khủng khiếp với một mật độ dày đặc như thế đều có thể bị đánh gục hoàn toàn, cuộc đời sẽ chỉ còn một màu tối tăm không lối thoát. Nhưng không ngờ, trong cô gái tật nguyền bé nhỏ lại ẩn chứa một nghị lực phi thường, khiến những người mạnh mẽ nhất phải ngạc nhiên và khâm phục. Ngày nhận tin cha qua đời, Mai đang ở chuẩn bị thi đại học – dấu mốc có thể làm nên thành, bại của cả đời người. Mai đã suy sụp, đã khóc ngất, nhưng rồi cô gạt nước mắt đối diện với sự thật, cố gắng từng ngày, từng phút để ôn thi đại học. Sự nỗ lực của Mai được đền đáp, Quỳnh Mai đã trúng tuyển vào khoa Giáo dục Đặc biệt của Đại học Sư phạm Hà Nội với điểm số cao.
Nhưng không chỉ có nghị lực phi thường, Mai còn là một người con rất mực hiếu thảo. Thay vì than thân trách phận hay hờn giận cha mẹ đã không thể là chỗ điểm tựa cho mình dựa vào, Mai luôn coi gia đình là nơi yêu thương để nhớ đến, luôn nghĩ đến bố mẹ với những tình cảm ngọt ngào. Những dòng chữ Mai viết gửi cho bố mẹ chứa chan tình yêu thương và nỗi nhớ khiến người đọc không kìm được nước mắt: “Mẹ ơi… về với con đi, về ăn cơm cùng con! Con không muốn ở một mình nữa, con cần mẹ, mẹ về với con như ngày xưa đi. Con không cần gì hết, con chỉ cần mẹ thôi!… Ông trời ơi, trả mẹ về cho con đi”.
Ước mơ thành cô giáo
Năm 2014 là thời điểm Quỳnh Mai từ mảnh đất Điện Biên quê hương xuống Hà Nội để thực hiện tiếp ước mơ được dạy học của mình và được gần hơn bên mẹ. Cô bé Mai ngày nào giờ đã ra trường và tiếp tục sự nghiệp trồng người mà mình mơ ước. Mong rằng, ngoài kiến thức trong sách vở, Mai sẽ truyền được cho những thế hệ học sinh của mình lòng quyết tâm vượt khó, tình yêu thương và tấm lòng hiếu thảo mà cô luôn có sẵn trong tâm hồn.
Những cái Tết đồng hành cùng mẹ
Từ ngày bố mất, mẹ vào tù, Quỳnh Mai phải đơn độc ăn Tết suốt 5 năm qua. Đã 4 cái Tết lẻ loi, Mai lúc nào cũng ngóng trông về một cái Tết ấm áp hơn, có mẹ và có con. Cũng may, thời điểm Mai chuyển lên Hà Nội học cũng là những năm tháng mẹ cô được chuyển lên trại giam Thanh Xuân (Hà Nội), mẹ con được gần gũi nhau. Thời gian đầu vào tù, sức khỏe của mẹ Mai rất yếu, hết bệnh tim, bệnh khớp hành hạ lại đến bệnh dạ dày tái phát. Để duy trì sự sống, mẹ Mai phải phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc. Để có thể lo cho mẹ, Quỳnh Mai mọt lần nữa phải căng sức nỗ lực.
Ngoài giờ đến giảng đường, cô dành gần như toàn bộ thời gian để đi dạy thêm kiếm tiền. Trở về sau một ngày làm việc, Mai lại cặm cụi học bài để cố gắng giành được học bổng. Bên cạnh đó, Mai còn tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện và được nhiều người yêu quý. Cô mang những thành tích ấy vào thăm mẹ, cô biết mẹ đã yên tâm phần nào về cô con gái độc nhất nhưng phải chịu đủ thiệt thòi của mình. Cứ như vậy, sức khỏe và tinh thân của mẹ cô khá dần lên. Mai biết mình đã làm một điều thực sự ý nghĩa.
Nhưng mỗi dịp Tết đến, khi mọi người nô nức sắm sửa, nhà đoàn tụ lại là lúc Mai buồn nhất, nhớ bố mẹ nhất. Mai biết, mẹ của cô cũng thế! Giọng nghẹn lại Mai tâm sự: “Mỗi tháng, mẹ được gọi điện cho em trong vòng 3 phút. Vào dịp Tết, mẹ thường gọi vào ngày mùng 1. Giờ phút ấy thiêng liêng nhưng em thấy nó trôi qua chóng vánh vô cùng. Mẹ con chỉ kịp vội vã nói với nhau vài câu là hết. Tết đến mà em chỉ mong mau hết để được ra Hà Nội thăm mẹ, mang quà cho mẹ thôi. Ăn Tết ở nhà có nhiều đồ ăn, có thịt cá bánh kẹo mà thấy thương mẹ thiếu thốn vô cùng”.
Năm nào cũng vậy, Mai vào thăm mẹ từ 23 Tết, mang cho mẹ 1 cái bánh chưng, 1 con gà và một ít tôm – những món ăn mà mẹ cô yêu thích. Ngoài con gà được một người bà con tốt bụng cho, toàn bộ phần quà còn lại được Mai mua bằng tiền tiết kiệm của mình. Để mẹ thêm yên tâm về con gái, dịp Tết, Mai thường tặng mẹ những món quà, những quyển sổ nhỏ kèm theo. Trong quyển sổ đó, Mai viết những lời lẽ yêu thương dành cho mẹ. Mai còn dành những trang nhất định trong quyển sổ để dán ảnh và để những người bạn của cô viết tặng mẹ mình những lời tốt đẹp. Chắc chắn, khi biết con gái được nhiều người đồng hành giúp đỡ như thế, bất kể người mẹ nào cũng thấy yên tâm.
Mai cho biết, mỗi tháng cô được vào thăm mẹ một lần, mỗi lần 30 phút. Tết cũng không có ngoại lệ về thời gian. Mỗi lần gặp mẹ, Mai thèm biết bao được ôm lấy thân hình quen thuộc nhưng không thể bởi giữa hai mẹ con là một tấm kính ngăn cách. Những câu nói vội vàng, những lời hỏi thăm động viên chứa chan tình cảm khiến 30 phút trôi nhanh như thoi đưa. Cũng có lần, trời mưa tầm tã, chỉ một mình Mai đội mưa đến trại giam thăm mẹ, với thức ăn đã nấu sẵn và những món quà quen thuộc dành cho mẹ. Lần ấy, cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô gái nhỏ, người quản giáo đã cho phép Mai được nói chuyện với mẹ 1 giờ. Nỗi nhớ chưa thỏa nhưng hai mẹ con đã nói với nhau được nhiều điều hơn.
Mai nói với chúng tôi về những lần gặp mẹ: “Mỗi lần mang quà cho mẹ, em lại được nắm bàn tay mẹ. Khoảnh khắc ngắn ngủi ấy giúp em có thêm nghị lực sống, them cho em lòng kiên trì để học tập, đi dạy thêm, tham gia các chương trình tình nguyện và chờ đợi lần tiếp theo được vào thăm mẹ”. Không ai có thể ngờ, cô gái nhỏ bé ấy lại có thể là chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần cho người mẹ phải thụ án 14 năm đằng đẵng. Mỗi lần vào thăm mẹ, cô gái bé nhỏ thường nói: “Hãy tin con, con sẽ không bao giờ để mẹ phải một mình”.
Lời kết cho câu chuyện về người con hiếu thảo
Mạnh mẽ và nghị lực là thế, nhưng Quỳnh Mai đã nhiều lần phải khóc vì sự cô đơn, vì nỗi nhớ cha mẹ vì những nhọc nhằn khi phải sống một mình giữa cuộc đời. Tuy vậy, cô gái chưa bao giờ cho phép mình khóc trước mặt mẹ. Tâm sự với tôi, giọng Mai nghèn nghẹn: “Em không cho phép mình yếu đuối trước mặt mẹ. Nếu khóc, em sẽ khóc một mình, khi đã ra khỏi trại giam Thanh Xuân. Mẹ em cũng thế không bao giờ khóc trước mặt con gái, nhưng em chắc chắn mẹ sẽ khóc khi một mình trong trại giam. Mẹ em sống tình cảm và lúc nào cũng thương em”.
Còn Tết này, Mai đang chuẩn bị quà để mang vào cho mẹ. Cố gắng mang hơi ấm của không khí Tết bên ngoài cho mẹ, cố gắng để mẹ có một cái Tết đầy đủ nhất, cô gái nhỏ vẫn ngày ngày dùng sức lực của mình để kiếm những đồng tiền chân chính. “Em còn có thể biếu mẹ một ít tiền tiêu Tết nhờ việc dạy thêm”, giọng nói hồ hởi của Mai làm mùa xuân như đến gần hơn.
(Đời sống & Hôn nhân)
Nỗi niềm của cô gái tật nguyền đón Tết cùng mẹ
No comments:
Post a Comment