Wednesday, February 5, 2014

Khi thức uống “đánh nhau”

Ngày Xuân không thể thiếu chén rượu, ly bia. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết dừng ở chừng mực nhất định và không nên pha lẫn các thức uống với nhau.


Khi thức uống “đánh nhau”

Xuân về – Tết đến là dịp để gia đình, họ hàng, bạn bè họp mặt cùng với những buổi tiệc tất niên, ăn uống. Trong đó không thể thiếu những ly rượu, lon bia, nước ngọt có gas, nước giải khát… Trong chừng mực, rượu bia, nước ngọt, nước tăng lực phần nào làm cho chúng ta thấy hưng phấn, mở lòng ra và làm cho các bữa tiệc vui, mọi người dễ dàng nói chuyện với nhau hơn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng hoặc cố ý pha chế, kết hợp một số thức uống không hợp lý sẽ gây nên những tác động xấu đến sức khỏe.


Thức uống lẫn lộn sẽ làm dạ dày tác động xấu đến sức khỏe


Chuyến du hành “chuếnh choáng” của rượu


Chất cồn có trong rượu, bia sau khi được đưa vào cơ thể sẽ thấm vào máu, di chuyển đến gan nơi xảy ra quá trình chuyển hóa, hấp thu. Khi thấm vào máu, một phần rượu cũng sẽ theo lên não. Tại đây, chất cồn có thể “chiếm chỗ” một số khu vực có chức năng nhận, trao đổi các tín hiệu thần kinh, làm cho tế bào não không nhận được các tín hiệu một cách đầy đủ. Nếu uống nhiều, lượng cồn lên não tăng sẽ làm cho quá trình truyền nhận tín hiệu thần kinh tại não bị ảnh hưởng lớn, có thể gây nên những dấu hiệu của say rượu như nói không rõ ý, nói lặp lại 1 chuyện, đi không vững, quờ quạng, dễ kích động…


Ngoài ra, khi chất cồn vào cơ thể, phần lớn sẽ được chuyển hóa tại gan. Trong quá trình chuyển hóa, một chất trung gian có tên acetaldehyde được tạo ra. Nếu lượng chất acetaldehyde nhiều, có thể gây nôn ói, nhức đầu…


Kết hợp thức uống bất hợp lý


Uống rượu, bia cùng lúc hay pha chung với champagne, nước ngọt… sẽ khiến say nhanh hơn. Do nước ngọt có gas và đường trong nước ngọt sẽ làm chất cồn trong rượu bia nhanh chóng lan tỏa vào máu, đồng thời sinh ra một lượng lớn CO2 gây hại cho dạ dày, ruột, gan, thận.


Uống rượu mạnh pha với nước tăng lực: Có thể gây nhịp tim nhanh. Với những người có nguy cơ hoặc bị bệnh lý tim mạch thì uống loại “cocktail” này có nguy cơ bị bệnh nặng hơn cả thức uống chứa hàm lượng caffeine cao. Ngoài ra, loại thức uống này có thể làm nặng hơn các triệu chứng say rượu như: nhức đầu, buồn nôn, nôn ói…


Pha rượu với mật hoặc máu động vật: Do máu động vật khi bị làm thịt thường dễ nhiễm bẩn, sinh độc tố hoặc độc tố có sẵn trong máu, nồng độ rượu để pha không đủ để tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc độc tố, vì vậy, khi uống rượu có pha máu động vật dễ bị nhiễm bệnh hoặc ngộ độc. Người bị nhiễm độc có thể bị nhức đầu, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… nặng hơn có thể bị rối loạn tri giác, hôn mê thậm chí tử vong.


Bí quyết giảm say, giã rượu


Trước khi uống: Nên ăn “lót lòng” trước khi tham gia buổi tiệc. Hoặc trong bữa tiệc nên vừa ăn vừa uống. Không nên chỉ uống mà không ăn. Thức ăn sẽ làm cho chất cồn trong rượu, bia chậm hấp thu vào máu, hạn chế lên não. Ngoài ra, còn làm giảm acetaldehyde trong dạ dày.


Nên nhớ rằng, ăn càng nhiều, bụng sẽ no giúp bạn không uống được nhiều nữa. Nếu bạn uống sữa mà không bị rối loạn tiêu hóa thì một ly sữa trước khi “nhậu” cũng giúp giảm nguy cơ bị say rượu bia. Sữa sẽ tạo nên 1 lớp “màng bọc” lên niêm mạc của dạ dày và làm chậm quá trình hấp thụ cồn vào máu.


Khi tụ tập mà có bia, rượu, bạn nên cố gắng uống ít lại để không bị say xỉn


Trong khi uống: Bạn nên tuyệt đối tránh uống những loại “cocktail” được pha chế không hợp lý. Không nên uống hùa theo bạn bè. Nếu phải uống thì chỉ vừa phải. Tốt nhất là khi được mời, bạn chỉ nên uống đơn thuần bia, rượu, nước tăng lực, nước giải khát có gas…


Sau khi uống: Vì “hoàn cảnh” mà bạn phải uống đến mức bị say thì một số cách sau có thể giúp giã rượu:


- Cố gắng uống nước ép hoặc ăn nhiều trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, dâu tây, dứa, ổi, cóc… hoặc có thể dùng viên vitamin C. Điều này sẽ giúp làm giảm tác động có hại của acetaldehyde đối với cơ thể.


- Uống nhiều nước sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thu chất cồn vào máu, cũng như bù lại lượng dịch mất đi qua quá trình tiểu tiện trong buổi nhậu. Một ly trà xanh, có thêm vài lát gừng cũng giúp giải rượu, bia tốt.


- Ăn chén cháo loãng hoặc uống nước cơm cũng giúp làm giảm chất cồn trong rượu được hấp thu vào máu


- Nếu cảm thấy buồn nôn, khó chịu thì có thể ói ra, không cố chịu đựng vì xấu hổ hay ngại. Nôn sẽ giúp loại bỏ phần rượu, bia chưa kịp hấp thu vào máu.


- Đi ngủ: Giấc ngủ có thể giúp cơ thể tập trung chuyển hóa và thải trừ lượng cồn và giúp bạn được nghỉ ngơi và tránh được tai nạn do không tỉnh táo gây nên.


Tuy nhiên, cách chống say rượu tốt nhất vẫn là không hoặc hạn chế uống. Nếu tụ tập, bạn cũng chỉ nên uống rượu, bia  ở mức vừa phải mà cơ thể “chấp nhận” được và nên uống chậm để chuyển hóa kịp. Không nên uống rượu bia pha với các thức uống hoặc thực phẩm khác một cách không hợp lý nhằm phòng tránh những tác động bất lợi cho sức khỏe. Khi uống rượu say thì không nên lái xe mà nhờ người thân chở về.


Ngoài ra, nhằm tránh bị ngộ độc rượu do uống phải những loại rượu, bia kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thì bạn và người thân nên chọn những sản phẩm của các nhà sản xuất hoặc phân phối có uy tín, xuất xứ đáng tin cậy.


(Gia Đình & Xã Hội)



Khi thức uống “đánh nhau”

No comments:

Post a Comment