Sunday, February 2, 2014

Giải mã thương vụ quốc phòng ít biết của Việt Nam (1)

Ngoài hợp đồng “nổi” như mua S-300, Su-30MK2, tàu ngầm Kilo, thực tế thì trong nhiều năm Việt Nam còn mua thêm nhiều loại vũ khí, phụ tùng khác. 


Từ đầu những năm 1990, Việt Nam đã bước vào công cuộc hiện đại hóa sâu rộng toàn bộ lực lượng quân đội nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác quân sự truyền thống với Nga, Việt Nam đã mở rộng hoạt động hợp tác với nhiều quốc gia khác trên thế giới như Ấn Độ, Ukraine, Cộng hòa Czech, Israel, Ba Lan, Singapore…

Ngoài các hợp đồng mua sắm “nổi tiếng” như mua 2 tiểu đoàn S-300PMU-1, tiêm kích đa năng Su-27/30, tàu hộ tống Project 1241RE, Project 12418, tàu ngầm Kilo, Việt Nam còn thực hiện nhiều thương vụ khác, ít được biết đến. Trong tài liệu Quân đội Nhân dân Việt Nam: Hiện đại hóa và Phát triển của Giáo sư Carlyle A.Thayer – Học viện Quốc phòng Australia, được viết vào năm 2009 đã tiết lộ phần nào về những hợp đồng ít được biết tới này.

Lục quân

Trong việc nâng cấp hiện đại hóa tăng sức mạnh cho lực lượng lục quân thì phải từ đầu những năm 2000, Việt Nam mới bắt đầu đầu thực hiện. Theo tài liệu giáo sư Thayer, tháng 4/2001, Việt Nam đã thực hiện nâng cấp 50 xe bọc thép chở M113 (xe bọc thép do Mỹ sản xuất) tại nhà máy Z-751 (TP Hồ Chí Minh) từ các phụ tùng mua ở nước ngoài và từ nguồn còn lại được thu sau 1975.


Việt Nam hiện vẫn còn trong trang bị nhiều xe bọc thép M113 thu giữ được sau năm 1975.

Theo một số nguồn tin, Việt Nam trước đó đã cố gắng nhờ tới sự trợ giúp của Singapore Automotive Engineering (trước đó là ST Kinetics thuộc ST Engineering) để đại tu nâng cấp M113, nhưng đã phải hủy bỏ do áp lực từ Mỹ. Các xe bọc thép được dự kiến sẽ triển khai tại sư đoàn thiết giáp nằm ở phía Nam.

Cùng thời điểm này, đã có thông tin việc Nga muốn cung cấp cho Việt Nam vài trăm xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 lấy từ kho dự trữ. Đầu tháng 3/2005, tiếp tục có tin Ba Lan muốn cung cấp 150 xe tăng đã qua sử dụng T-72 cũng trang bị đi kèm (thiết bị sửa chữa, phụ tùng, đạn dược) cho Việt Nam. Dù vậy, cả 2 thương vụ này được cho là đã thất bại, một phần do ngân sách Việt Nam không thể đáp ứng nổi.


 Cả Ba Lan và Nga đều muốn bán cho Việt Nam hàng trăm xe tăng T-72 và T-80 nhưng đều không thành công.

Vào tháng 2/2005, có thông tin việc Lực lượng Quốc phòng Phần Lan muốn chuyển 70 xe tăng T-54/55 đã qua sử dụng cho Việt Nam. Không có nhiều thông tin rõ hơn về việc này.

Năm 2006, Israel đã báo lên Cơ quan đăng ký vũ khí thông thường Liên Hiệp Quốc (UNROCA) rằng họ đã cung cấp 2 xe bọc thép hạng nhẹ cho Việt Nam. Ngoài ra, Israel cũng đang tiến hành chương trình thí điểm nâng cấp xe tăng xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 cho Việt Nam, tiến tới việc nâng cấp toàn bộ 850 chiếc T-54/55. Chương trình bao gồm việc nâng cấp giáp bảo vệ, khí tài nhìn đêm, hệ thống điều khiển hỏa lực (do Ba Lan sản xuất).

Tháng 9/2005, có tin Bộ Quốc phòng Việt Nam thảo luận với Israel việc chuyển giao công nghệ sản xuất đạn pháo, cối.


 Xe tăng T-54/55 Việt Nam được Israel nâng cấp. Ảnh: diễn đàn TTVNOL

Trước đó, vào tháng 5/2002, Việt Nam – Ukraine đã đạt được thỏa thuận lớn về hợp tác kỹ thuật quân sự kéo dài tới năm 2005. Theo các điều khoản của biên bản ghi nhớ này, Ukraine sẽ cung cấp hỗ trợ lớn cho Việt Nam trong hiện đại hóa lực lượng pháo binh, tăng thiết giáp, hợp tác sửa chữa và sản xuất vũ khí, nâng cấp và cung cấp mọi loại trang bị vũ khí khác.

Việt Nam được cho là cũng có thỏa thuận với Trung Quốc và Bỉ về việc sản xuất vũ khí hạng nhẹ và đạn dược trong nước.

Không quân

Theo tài liệu của Giáo sư Carl Thayer, trong giai đoạn 1996-1998, Nga đã thực hiện hợp đồng nâng cấp 32 máy bay cường kích một chỗ ngồi Su-22M4 và biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-22UM-3 cho Việt Nam. Cuối năm 2008, đã có đồn đoán rằng Việt Nam có thể sẽ mua 12 tiêm kích đa năng Su-30 hoặc là MiG-29. Tuy nhiên, chính thức thì Việt Nam đã mua 8 Su-30MK2 từ Rosoboronexport, hợp đồng được ký tháng 1/2009.


 Việt Nam có số lượng lớn Su-22M3/M4 từ Liên Xô viện trợ nhưng vẫn tiếp tục mua thêm giai đoạn 1996-1998.

Cuối năm 1999, có tin cơ quan vũ khí nhà nước Nga Rosoooruzheniye tham gia cuộc đàm phán để nâng cấp Su-27 cho Việt Nam mang tên lửa không đối không R-77, tên lửa không đối hải Kh-31, tên lửa không đối đất Kh-29 và Kh-59M.

Tháng 3/2000, Ấn Độ và Việt Nam đã ký hợp đồng quốc phòng lớn (DCA) bao gồm việc đại tu phi đội MiG-21 cho Việt Nam và hỗ trợ đào tạo phi công tiêm kích cùng cán bộ kỹ thuật. Tháng 3/2005, Tổng tham mưu trưởng Việt Nam đã tới thăm Ấn Độ và thảo luận việc Ấn Độ cung cấp phụ tùng đại tu phi đội máy bay MiG. Và tháng 11/2006, Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam số lượng nhất định phụ tùng tiêm kích MiG-21.

Tháng 10/2003, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký hợp đồng mua 2 máy bay PZL M28 của Ba Lan để phục vụ cho việc vận tải, chở khách, tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, Việt Nam có ý định mua 8 hệ thống trinh sát biển MSC-400 với radar ASR-400 và module kiểm soát chỉ huy CCS-400 để trang bị cho 8 chiếc M28 có kế hoạch mua. Sang năm 2005, Việt Nam có ý định mua 4 trực thăng tìm kiếm cứu nạn trên biển W-3RM Anakonda của Ba Lan. Dẫu vậy, cả 2 thương vụ này đều không thành công.


 Trực thăng W-3RM Anakonda.

Năm 2004, Việt Nam được báo cáo là đã mua 4-10 máy bay cường kích Su-22M4 từ Cộng hòa Czech bao gồm cả phụ tùng và đạn dược. Sau đó, Việt Nam đạt được một thỏa thuận với Ukraine để nâng cấp các máy bay phục vụ như nền tảng phóng tên lửa chống tàu.

Trong báo cáo hàng năm với UNROCA, Ukraine tuyên bố đã bán 6 máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi MiG-21UMS (năm 1996), 10 máy bay huấn luyện chiến đấu L-39C (năm 2002-2003) và 3 cường kích Su-22 (năm 2005) cho Việt Nam. Năm 2005, Cộng hòa Czech báo cáo với UNROCA rằng họ đã bán 5 chiếc Su-22UM3 cho Việt Nam.


(Kiến Thức)



Giải mã thương vụ quốc phòng ít biết của Việt Nam (1)

No comments:

Post a Comment