Phát triển rất nhiều hướng đi khác nhau, thế nhưng một vài dự án của Facebook không thành công như dự đoán.
Để đạt đến ngôi vị mạng xã hội số một hành tinh hiện nay, trong suốt 10 năm xây dựng và phát triển, Facebook đã trải qua không ít những “lên bổng xuống trầm”. Với mong muốn mang đến cho người dùng trải nghiệm tuyệt vời nhất đồng thời cùng những tính năng mới hữu ích, người khổng lồ mạng xã hội đã liên tục tiến hành thử nghiệm rất nhiều tính năng từ khi ra đời cho đến nay, trong đó có không ít các tính năng không nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng và đành chịu… chết yểu.1. Facebook Beacon
Tính năng Beacon được Facebook trình làng với mục đích là một phương thức để theo dõi hoạt động mua sắm của người dùng mạng xã hội này, từ đó có thể thu về những dữ liệu chuẩn xác hơn để phục vụ cho các gói quảng cáo. Tuy nhiên, mặt xấu xí của Beacon nằm ở chỗ tính năng này được cho rằng có thể theo dõi hoạt động của người dùng kể cả khi người đó không hề đăng nhập vào Facebook. Vì lí do này Beacon làm dấy lên mối lo ngại về sự xâm phạm riêng tư nghiêm trọng.
Vào ngày 5 tháng 12 năm 2007, Mark Zuckerberg đã chính thức lên tiếng về Beacon, trong đó anh cho hay Facebook “đã đánh mất điểm cân bằng cần thiết” với tính năng này. Beacon được gỡ bỏ một thời gian ngắn sau đó, giờ đây cái tên Beacon xuất hiện lại thế nhưng dưới sự phát triển của Apple.
2. Facebook Credit
Với mục tiêu tìm ra một nguồn lợi nhuận mới, Facebook đã tạo ra một đơn vị tiền tệ ảo có tên “Facebook Credit”.
Theo đó, Facebook Credit được dùng phổ biến nhất trong các trò chơi từng đình đám một thời của Zynga như FarmVille chẳng hạn. Nó cho phép người dùng tiêu tiền để mua các vật phẩm ảo trong game (lúc bấy giờ, 1USD tương đương 10 Facebook Credits).
Với Facebook Credits, Facebook dường như đã nhen nhóm tham vọng xây dựng được một đơn vị tiền tệ ảo có thể dùng cho bất cứ giao dịch trực tuyến nào, với sức mạnh tương đương PayPal. Dẫu vậy, tính năng kể trên không được đón nhận quá nồng nhiệt và đã đóng vào cuối năm 2012.
3. Facebook Places
Để tuyên chiến với những ứng dụng như Foursquare, Facebook đã khai sinh ra “Places”, ứng dụng riêng phục vụ việc check-in địa điểm trên nền di động. Về sau, Facebook đã gỡ bỏ tính năng này và tích hợp khả năng check-in luôn vào phần cập nhật trạng thái.
4. Facebook Deals
Năm 2011, với sự nở rộ của các ứng dụng như Groupon hay LivingSocial, Facebook cũng cho ra mắt tính năng Deals. Theo đó, Deals có nhiệm vụ chính là trích đăng các thông tin giảm giá được các doanh nghiệp kinh doanh địa phương cung cấp và trao đổi thẻ giảm giá này cho người dùng bằng Facebook Credits.
Dĩ nhiên đối với người dùng Việt Nam, Deals là một cái tên khá xa lạ bởi nó chỉ được thử nghiệm tại đúng 5 thành phố ở Mỹ và đồng thời cũng được gỡ bỏ khá nhanh sau đó.
5. Facebook Subscribe
Tháng 9 năm 2011 chứng kiến sự ra đời của nút Subscribe trên Facebook cho phép người dùng đăng kí nhận cập nhật từ bất kì ai trên mạng xã hội này kể cả khi họ không phải là bạn bè (với điều kiện người bạn mong muốn nhận cập nhật phải để các bài đăng ở trạng thái Public). Thực tế, Facebook Subscribe không hề bị khai tử, Facebook chỉ “thay tên đổi họ” cho nó mà thôi. Theo đó, hơn một năm sau vào tháng 12 năm 2012, nút Subscribe được thay thế bằng nút Follow.
6. Facebook On This Day
Mặc dù, bạn luôn luôn có thể lục lại Timeline của mình để xem các bài đăng cũ, tuy nhiên, tác vụ này thường khá rắc rối và mất thời gian. Năm 2011, Facebook đã từng tung ra một tính năng cực kì tiện ích cho phép người dùng xem lại các bài đăng được cập nhật vào cùng ngày một năm trước mang tên On This Day.
Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì, Facebook đã hủy bỏ tính năng trên sau một thời gian thử nghiệm. Được biết, trong năm 2013, cũng đã có lần mạng xã hội này cân nhắc mang tính năng On This Day trở lại nhưng cuối cùng mọi thứ cũng không đi đến đâu.
7. Facebook Sponsored Stories
Có lẽ sự biến mất của tính năng Sponsored Stories sẽ là sự biến mất được nhiều người dùng Facebook mong đợi nhất trong những tính năng được liệt kê. Theo đó, tính năng này là một dạng quảng cáo của Facebook, điều mà chúng ta vẫn đang phải chịu đựng hàng ngày bởi bạn đang sử dụng Facebook miễn phí và doanh thu mạng xã hội này thì chủ yếu đến từ quảng cáo.
Vấn đề làm Sponsored Stories bị tẩy chay nằm ở chỗ hình thức quảng cáo này trực tiếp sử dụng thông tin của người dùng để quảng bá cho các bài đăng mà người dùng không hề được báo trước. Chính sự “tùy tiện” kể trên, Facebook đã từng phải chi ra đến 20 triệu USD để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến riêng tư cá nhân mà Sponsored Stories gây ra. Vào tháng 4 tới đây, Facebook Sponsored Stories sẽ chính thức biến mất.
8. Facebook Online Offers
Năm 2012, Facebook có thử nghiệm một tính năng mang tên “Offers”. Qua Offers, các nhãn hàng sẽ cung cấp cho người dùng Facebook những gói mua sắm giảm giá có thể dùng trực tiếp trên các website trực tuyến của nhà phân phối sản phẩm, dịch vụ. Một thời gian ngắn sau đó hình thức sử dụng Offers trực tuyến không còn khả dụng, Facebook chỉ còn áp dụng tính năng Offers cho việc mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng.
9. Facebook Questions
Bắt đầu từ năm 2010, người dùng Facebook có thể đặt câu hỏi cùng các phương án trả lời để bạn bè lựa chọn như một hình thức cập nhật trạng thái. Tuy nhiên, tính năng này đã bị gỡ bỏ vì một số lí do nhạy cảm không được nêu rõ. Đến nay, bạn chỉ còn có thể đặt câu hỏi trong các Facebook Group.
10. Facebook Gifts
Có thể bạn chưa biết, trước đây người dùng Facebook hoàn toàn có thể gửi các món quà thật thông qua Facebook cho bạn bè mình. Theo đó, Facebook tận dụng tính năng Gift như một hình thức chợ điện tử, nơi bạn có thể chọn quà và gửi đến bạn bè. Năm 2013, Facebook hủy bỏ hình thức gửi quà thực này bởi theo thống kê, 80% người dùng từng sử dụng Facebook Gift chọn hình thức gửi thẻ quà tặng.
10 tính năng đáng chú ý Facebook từng “khai tử”
No comments:
Post a Comment