(Kênh 13) – Chiều 29 Tết, có mặt trong đoàn công tác Công an huyện Trà Lĩnh do Thượng tá Hà Văn Tuyên, Trưởng Công an huyện dẫn đầu, chúng tôi đến với xã Quang Vinh.
Đây là một trong những xã nghèo của huyện Trà Lĩnh của tỉnh biên giới Cao Bằng, nơi hiện có 251 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng và Mông sinh sống.
Vừa đặt chân đến nơi, chúng tôi đã được đón chào bằng những cái bắt tay nắm chặt của đại diện cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cũng như của đông đảo bà con nhân dân tại trụ sở UBND xã Quang Vinh. Thượng tá Hà Văn Tuyên tâm sự: Năm nào cũng vậy, chúng tôi đến với bà con như đến với người thân của mình. Ngoài việc thăm hỏi, động viên bà con chuẩn bị vui xuân, đón Tết, chúng tôi còn tuyên truyền phát động người dân hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc, phong trào Toàn dân tham gia PCTP, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm ma túy đến từng thôn bản, được bà con tin yêu và hưởng ứng nhiệt tình. Người dân ở đây vốn hiền lành ngay thẳng, nên công tác quản lý địa bàn đỡ phức tạp hơn so với các địa bàn giáp ranh.
Cùng chung đánh giá khi nhận định về tình hình ANTT tại địa phương, ông Hoàng Văn Quản, Bí thư Đảng ủy xã Quang Vinh nói, hiện xã Quang Vinh là một trong số ít những xã không có tệ nạn về ma túy, tình hình ANTT tại địa bàn luôn được đảm bảo. Tuy cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng toàn dân luôn đoàn kết, xây dựng tốt đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2013, xã Quang Vinh có 4 thôn làng đạt danh hiệu làng văn hóa, cả xã có quá nửa số hộ đạt gia đình văn hóa.
Rời trung tâm xã Quang Vinh, chúng tôi cùng đoàn công tác Công an huyện Trà Lĩnh cùng lãnh đạo chính quyền địa phương tiếp tục hành trình đến thăm, trao quà, chúc Tết một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Điểm đến đầu tiên là gia đình anh Trương Văn Sự, người dân tộc Mông, ở xóm Lũng Pục, xã Quang Vinh. Tuy còn trẻ nhưng anh Sự là một công dân gương mẫu, có uy tín cao tại cộng đồng. Khi đoàn tới thăm, gia đình anh đang tất bật chuẩn bị Tết. Anh Sự khoe, hôm nay là phiên chợ cuối năm, vợ chồng anh tranh thủ đi chợ từ rất sớm, mọi thứ cần thiết chuẩn bị cho Tết đã được vợ chồng anh mua sắm đã “hòm hòm”. Chỉ vào cặp gà trống thiến đang lục cục trong chiếc lồng tre, nhốt góc nhà, anh Sự khẽ cười rồi tình tứ quay sang phía vợ “Em phải chọn mua cặp gà ngon nhất chợ làm quà Tết để “đi tái” nhà ngoại đó!”. Thượng tá Tuyên khẽ giải thích, “đi tái” là tập tục đẹp của bà con địa phương nơi đây, cứ mùng 2 Tết, các chàng rể thường sang chúc Tết nhà ngoại cùng một cặp gà trống thiến và cặp bánh chưng, để tỏ lòng cảm ơn các đấng sinh thành ra vợ mình.
Xúc động nhận túi quà nhỏ từ tay Thượng tá Tuyên, anh Sự cho biết, năm nay kinh tế gia đình có khấm khá hơn năm ngoái, vợ chồng anh chung với mấy hộ hàng xóm chuẩn bị được con lợn nặng gần một tạ, sáng 30 Tết sẽ mổ lấy thịt ăn Tết, đón xuân. “Gia đình em rất mong ngày mai được đón các anh, chị về ăn cơm, đón Tết cùng gia đình! ” anh Sự nhắn nhủ trong cái lắc tay hồ hởi…
Lần lượt ghé thăm các hộ gia đình nghèo trong xã, trao những phần quà nhỏ; nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con về phong trào tự phòng, tự quản, đảm bảo ANTT tại địa bàn; thăm hỏi, động viên bà con chuẩn bị đón Tết, mừng xuân, mải mê với công việc, bóng tối đổ dài lúc nào không hay, giật mình nhìn đồng hồ trên tay, đã gần 20h tối. Ngồi trên xe nhìn màn đêm buông dày đặc nơi vùng cao, tôi mới cảm nhận, dù cái rét đêm cuối năm ở xã vùng cao biên giới như cắt da, cắt thịt, nhưng lạ lùng thay, hình như cái rét ấy không đủ che lấp sự ấm áp từ tình cảm của những người dân, những gia đình dành cho đoàn công tác nói riêng và lực lượng Công an nói chung – những con người đang ngày đêm sát cánh cùng bà con các dân tộc giữ vững bình yên tuyến biên giới, bảo đảm ANTT…
(Trí Thức)
Tình quân dân ấm áp nơi xã nghèo vùng cao biên giới
No comments:
Post a Comment