(Kênh 13) – Món ăn kiêng kỵ ngày Tết không biết có từ bao giờ nhưng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người dân.
Người ta làm theo lệ tục từ một lẽ rất đơn giản: “Có thờ có kiêng, có kiêng có lành”
Bắc – Trung – Nam đều kiêng kỵ
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Thuấn với vốn sống phong phú, nhìn nhận vấn đề kiêng kỵ dưới cái nhìn khá sắc bén: Kiêng kỵ xuất phát từ nhiều yếu tố, có thể do ăn cái gì đó xảy ra chuyện không vui nhiều lần, người xưa rút kinh nghiệm thành kiêng. Có thể ban đầu chỉ là sự kiêng kỵ của một người, một nhóm người nhưng sau đó trở thành ký ức của cả một cộng đồng, một dân tộc. Thậm chí, phần lớn không hiểu gì về nguồn gốc nhưng rồi họ cứ thế kiêng theo.
Cả ba miền Bắc – Trung – Nam đều kiêng ăn thịt chó, ăn mực vào những ngày đầu năm vì sợ “đen” cả năm, kiêng ăn thịt vịt vì sợ tán đàn cả năm kêu quạc quạc… Người miền Trung kiêng ăn trứng vịt lộn, cá mè,… vì sợ đen đủi, hãm tài. Người miền Nam kiêng ăn tôm vì sợ đi… giật lùi như tôm, công việc sang năm sẽ lùi chứ không tiến tới, không ăn cua vì sợ ngang như cua, con cái khó dạy, công việc cũng không tiến tới được…
Món kiêng kỵ nhiều khi chỉ dơn thuần xuất phát từ âm đọc chệch của mỗi vùng miền, như người miến Nam kiêng chuối vì có âm đọc chệch là chúi (chúc xuống chứ không tiến lên). Vì vậy bàn thờ ngày Tết, người miền Nam không bày chuối trên mâm ngũ quả. Người miền Trung không chọn quả đu đủ vì phát âm vùng này nghe như “thù đủ”. Người miền Nam tránh cam vì cho rằng “quýt làm cam chịu” – oan sai cả năm ; kiêng quả lê vì sợ lê lết…
Món kiêng của người vùng cao
Theo nhà thơ Dương Thuấn – một người sinh ra và lớn lên ở vùng núi Tây Bắc, tục kiêng kỵ về món ăn với người vùng cao cũng phong phú , đa dạng và phía sau mỗi món kiêng đều có những tích cổ, những bí mật dòng tộc riêng.
Cá mè , trứng vịt lộn thường là những món người dân kiêng ăn vào đầu năm mới .
Với con người, chó là vật nuôi không chỉ trung thành mà còn rất tinh khôn. Vì vậy, nhiều dân tộc vùng cao không ăn thịt chó. Khi còn sống, Hòa thượng Thích Thanh Tú đã hé mở về quan niệm này rằng, đạo Phật không sát sinh và luôn trưởng dưỡng lòng từ bi. Có thể những người bán thịt chó phạm tội sát sinh nên đầu tháng họ đi chùa cầu xin trời Phật tha tội. Đi chùa thì phải nghỉ bán hàng vì thế họ đã nghĩ ra đầu năm, đầu tháng kiêng ăn thịt chó. Nhưng nghỉ mấy ngày đầu năm, đầu tháng thiệt hại tiền bạc. Để bù lại, họ tung tin cuối tháng ăn thịt chó sẽ giải được đen.
Dân Việt dễ tin, người nọ truyền tai người kia và cuối cùng trở thành quan niệm thường trực. Đây cũng là một cách lý giải, trong khi chưa có lý giải nào thuyết phục hơn, lý do này khiến không ít người tin, làm theo và thịt chó thành món kiêng kị những ngày đầu năm, đầu tháng.
Người dân tộc Tày, Nùng trong nhà có người mất chưa qua 120 ngày thì tết cũng như ngày bình thường kiêng ăn bánh gio. Vì khi đưa người chết vào quan tài, bao giờ họ cũng đốt thóc, đốt ngô thành gio, bỏ vào quan tài dày khoảng 20 cm sau đó mới để xác lên trên, đậy quan tài lại. Người Tày, Nùng quan niệm, nếu ăn bánh gio (tro) là không biết thương người đã mất và người ăn cũng bị đánh giá là không được dạy dỗ.
Vời người Tày, Nùng từ 28 tết đến hết 3 ngày Tết không bao giờ to tiếng với nhau. Trẻ con có hư cũng không được mắng chửi, chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Trâu có phá nương cũng không được đánh mà chỉ đuổi đi vì quan niệm nếu đánh người, đánh vật thì mình truyền hết sinh khí cho người đó, con vật đó. Ăn cái gì cũng không được ăn tục (ăn vừa phải – số lượng ít). Người Tày, Nùng cũng kiêng chuyện khách đến nhà mời không ăn, ngay cả no bụng cũng không được từ chối , không ăn nhiều thì ăn ít. Nếu khách không ăn, chủ nhà sẽ nghĩ khách không trọng tấm lòng của họ.
Trong 3 ngày tết của người Mông, đặc biệt là người Mông ở Mộc Châu , Sơn La – xứ rau vùng Tây Bắc – có tục lệ kiêng không ăn rau. Theo giải thích, trong cả năm trời, người Mông rất vất vả nên Tết không ải phải làm gì, chỉ ăn chơi, tận hưởng thành quả làm ra cả năm trời. Trong mâm cỗ của mình, người Mông chỉ bày các món được làm từ thịt lợn, tuyệt đối không có rau xanh. Trong 3 ngày này, người Mông không mua bán, không tiêu tiền, với tín ngưỡng giữ lại của cải, tiền bạc trong gia đình, phụ nữ không được cầm kim chỉ để khâu vá để có vày lành, váy đẹp mặc cả năm.
Ở Đại Từ, Thái Nguyên có tục kiêng cho người dưới ăn đầu gà, nhất là trong ngày Tết. Theo đó, người nào có vị trí quan trọng nhất, khách quan trọng nhất sẽ được gia chủ gắp cho cái đầu gà để thể hiện sự yêu mến, kính trọng. Nhiều người không biết lệ, nhận được sự “ưu ái” này thì phát hoảng nhưng không ăn thì cứ phải để trong bát, không dược bỏ ra.
Nhà thơ Dương Thuấn phân tích: “Người Việt có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhưng kiêng liệu có lành không thì chưa có trường hợp cụ thể nào chứng minh được tính đúng sai của những món ăn cần kiêng kỵ đó. Tuy nhiên, điều cần phải thừa nhận rằng, do kiệng kỵ sớm đã ăn vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nên kiêng được trước hết rất tốt cho tâm lý”.
“Năm mới là thời khắc quan trọng nhất trong năm và thường tạo dấu ấn lớn cho cả năm trời, vì vậy nhiều người quan niệm rằng các cụ đã kiêng thì mình không nên làm trái. Không ăn cái này sẽ có cái khác thay thế. Năm mới cứ ăn toàn những thứ tốt tinh thần phấn chấn thì sức khỏe tốt lên, làm ăn cũng theo đó mà thuận lợi, gia đình cũng hòa thuận, hạnh phúc hơn”, nhà thơ Dương Thuấn bày tỏ.
(Đời Sống)
"Điểm danh" những món ăn "đại kỵ" trong dịp Tết và đầu năm
No comments:
Post a Comment