Người nọ thấy thất vọng về người kia, thấy mình đã bị lừa và đây là trạng thái tâm lý nguy hiểm, có thể dẫn đến ly hôn.
Nhà thơ Duy Khán viết cuốn “Tuổi thơ im lặng” năm 1986, khi ông 52 tuổi. Tác phẩm ra đời được bạn đóc đón nhận rất nồng nhiệt, nhưng số đông là người lớn. Người ta thích tác phẩm đó vì thấy có tuổi thơ của mình trong từng mẩu chuyện của Duy Khán. Người ta còn thú vị hơn khi thấy người lớn nhiều khi tính vẫn rất thơ trẻ.
Năm 1987, tác phẩm “Tuổi thơ im lặng” được trao giải thưởng Văn học Quốc gia. Tôi đến số 4 Lý Nam Đế chúc mừng Duy Khán nhân sự kiện này. Ông lấy một quả dưa lê từ torng túi mìn claymo ra, gọt bổ rất cẩn thận, cho vào cái đĩa gốm, đặt lên bàn và mời tôi: “Các em ăn đi. Anh vừa đi Hà Bắc về. Dưa còn tươi lắm đấy?”. Tôi ăn một miếng dưa cùng Duy Khán. Bỗng ông bỏ miếng dưa ăn dở vào sọt rác và nói: “Nhạt quá, hơn cả nước ốc ao bèo, mua dưa thế này là ngu, thật ngu”. “Ai mua hả anh?”. “Duy Khán chứ còn ai nữa”. Lúc đó có một con gián từ trong gầm tủ bò ra. Duy Khán rút chiếc dép cao su rất dày dưới chân định ném con gián. Sợ ông ném vỡ mất cánh của cái tủ kính, tôi cầm chổi đập con gián rồi hất nó vào sọt rác. “Trúng không em?”, “Dạ, trúng”. “Chết chứ?”. “Vâng, nó chết rồi”, Duy Khán gật đầu: “Phải thế chứ, không nó khinh”. Tôi bật cười vì thấy nhà thơ của chúng ta, dù đã 53 tuổi mà vẫn là trẻ thơ.
Văn chương hay viết về việc từ giã tuổi thơ. Nhưng từ giã được tuổi thơ là không dễ. Người già, lên bậc ông, bậc bà rồi mà tính tình nhiều khi vẫn trẻ con. Vậy mới có câu: “Một đời người, hai đời con nít”.
Chị Quỳnh Hương kể với tôi về ông xã của chị: “Anh ấy gọi cho tôi: “Hôm nay oi quá. Chiều em qua chợ mua con cá nấu canh chua cho dễ ăn”. Nhưng hôm đó vì nhiều việc nên tôi đã về muộn, không kịp làm món canh cá. Thế là anh ấy dỗi, bỏ đi ăn bún riêu. Anh ấy bị cảm. Trước khi đi làm, tôi dặn: “Cháo dinh dưỡng em nấu để trên bếp ga. Buổi trưa anh chịu khó bậc bếp lên vài phút là có cháo nóng ăn ngay.”. Nhưng chiều về, tôi thấy xoong cháo trên bếp nguội ngắt và vẫn nguyên xi. Tôi bật bếp cho nóng lên, múc ra tô lớn, bưng tới chi chồng, anh ấy húp mấy hơi hết sạch. Nghĩa là phải vợ nấu và bưng đến tận tay cơ. Sao đàn ông các anh lại trẻ con như thế”.
Không phải đàn ông mới có tính trẻ con mà phụ nữ cũng thế. Ngọc Lâm kể về cô người yêu của anh. “Trẻ con lắm. Trời lạnh, húng hắng ho suốt. Chỉ cần 1 lát chanh với mật ong là hết ho ngay. Tôi cắt chanh cho vào chén, rót mật ong vào. Mấy tiếng sau quay lại, thấy chén chanh mật ong vẫn còn nguyên, chưa mất miếng nào. Tôi lấy que tăm xiên một lát chanh, lúc ấy nàng mới há miệng ra như con chim sáo non chờ mẹ mớm mồi cho. Bị một nốt muỗi cắn tấy đỏ ở cánh tay, tôi lấy lọ dầu gió đưa cho, chỉ bôi một tí là hết ngay. Nhưng nàng lại lặng lẽ đặt lọ dầu gió lên bàn. Phải tự tay bôi cho cơ. Không biết đến bao giờ cô ấy mới hết tính trẻ con”.
Ngọc Lâm không cần phải đợi lâu. Người ta chỉ trẻ con khi bên cạnh có ai đó đóng vai người lớn. Khi đang yêu, các chàng trai chiều người yêu như chiều trẻ con và các người đẹp nhõng nhẽo ngay. Sau ngày cưới, lập tức các cô nàng trở thành người lớn. Cô nào cũng nhăm nhăm dạy chồng: “Anh ăn mặc như thế hả! Cắm thùng lại cho tử tế này”. Nghĩa là cô vợ đã đóng vai người lớn và anh chồng lập tức biến thành trẻ con. Trẻ con hay vòi vĩnh và hờn dỗi. Anh chồng Quỳnh Hương bỏ cơm đi ăn bún riêu là chuyện chẳng có gì lạ. Trẻ con cả thèm chóng chán. Món đồ chơi thích thú một lúc rồi vứt xó nhà không để mắt đến nữa. Các ông chồng cũng cả thèm chóng chán, hứng lên thì đòi bằng được, nhưng chỉ mấy phút sau là lăn ra ngủ như chết rồi.
Trẻ con ham chơi, đàn ông cũng ham chơi, karaoke, massage, các điểm giải trí xó xỉnh nào cũng biết. Nhiều khi đàn ông mãi chơi quên mất mình đang có vợ ở nhà. Trẻ con hay nói dối, đàn ông cũng hay nói dối. Thể xác của con người lớn nhanh hơn trí tuệ. Nhiều khi lớn tuổi rồi má cách ứng xử vẫn như trẻ con. Trong cuộc sống, ta thường gặp rất nhiều người có cách ứng xử như trẻ con, dù trên đầu họ đã có 2 thứ tóc.
Đàn ông bắt đầu thành người lớn sau khi được lên chức bố. Chồng Thu Thủy nghiện thuốc lá, nhà lúc nào cũng mù mịt khói thuốc. Nhưng khi vợ có thai, anh ta ra hành lang hút thuốc lá rồi khi đứa con đầu lòng ra đời, anh ta bỏ thuốc luôn. Ngọc Lâm là chàng trai hòa hoa và rộng rãi. Anh ta có thể đãi bạn đến đồng xu xuối cùng, trong túi tiền là còn nhậu nhẹt còn say sưa. Trong ngày cưới, Ngọc Lâm nói với đám bạn cùng giới: “Người ta nói được vợ mất bạn, nhưng Ngọc Lâm không như thế. Trước đây chiều nào chúng ta cũng quây quần ờ nhà hàng bia hơi thì bây giờ và sau này Ngọc Lâm vẫn như thế, chiều nào cũng mong được ngồi với các bạn ờ nhà hàng bia hơi. Và anh ta đã làm được như thế một thời gian ngắn. Sau khi lên chức bố, bạn bè thấy cuối ngày Ngọc Lâm biến mất tăm. Đôi khi, anh tranh thủ ra ngoài một lúc, xách về một hộp sữa bột to đùng và khoe với mọi người. “Loại sữa này rất tốt. Bây giờ tới là thợ pha sữa bậc 7”. Trẻ con chơi quên cả giờ giấc. Đàn ông cũng có khi chơi quên cả giờ giấc, nhưng đó là khi anh ta chưa làm bố. Còn sau khi có con, đàn ông trở thàng người lớn ngay. Các cụ nhà ta nói rất chí lý:
“Sinh con rồi mới sinh cha
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”.
Đã lên chức ông rồi thì tính trẻ con hầu như mất hẳn. Song, khi các con đã trưởng thành và các cháu đã lớn thì tính trẻ con sẽ tái hiện trong các bậc ông bà. Nhiều khi ta thấy các cặp chồng già cưng nựng nhau như trẻ con. Được làm trẻ con, ai chả thích. Các ông chồng già được vợ xới cơm cho, cắp thức ăn lên bát cho, thậm chí miếng trái cây cũng bón vào miệng cho thì thấy hạnh phúc quá. Trẻ con cứ ao ước được làm người lớn. Nhưng người lớn cũng thích được người khác cưng chiều, ấy là họ muốn làm trẻ con. Tính trẻ con ở người lớn chỉ xuất hiện khi có người bên cạnh đóng vai trò người lớn. Muốn chống bớt tính trẻ con đi thì các bà vợ đừng chiều chồng nhiều quá. Tôi ăn trưa cùng với một cặp vợ chồng không còn trẻ nữa. Họ đã ở tuổi ngoài 40 và con đã đi học ở nước ngoài. Sau khi ăn xong, tôi thấy bà vợ cầm cái khăn lạnh lau miệng cho ông chồng và bê một chậu nhỏ nước ấm ra để chồng rửa tay. Chiều chồng như thế thì làm sao mà chồng không thành trẻ con. Muốn chồng hoặc vợ bớt tính trẻ con thì phải phân công trách nhiệm rõ ràng. Con người trở thành người lớn khi biết nhận lãnh trách nhiệm của mình.
Sau ngày cưới, chị Huyền Dung nói với chồng: “Bây giờ có 2 việc lớn là kiếm tiền và tài gia nội trợ. Nếu anh không biết kiếm tiền thì hạy lui về phía sau để em xông ra xã hội kiến tiền. Còn nếu anh biết kiếm tiền thì em sẽ ở nhà lo tề gia nội trợ. Anh yên tâm ngày 3 bữa sẽ có cơm ngon, canh ngọt, nhà của gọn gàng, sạch sẽ. Khi anh được làm bố, con anh sẽ khỏe và ngoan, học hành tử tế”. Rất may là anh chồng Huyền Dung cũng biết kiếm tiền và từ khi có vợ đã biết như khi còn sống độc thân. Phân công như thế thì cả hai người đều ít có cơ hội làm trẻ con.
Muôn người yêu hoặc cô vợ trẻ không nhõng nhẽo như trẻ con thì các chàng ttrai cũng không nên chiều các nàng nhiều quá. Chiều người yêu quá, sau ngày cưới các nàng sẽ bị cảm giác thất vọng. Sao bây giờ anh ấy không chiều mình như trước nữa? Trước đây, mình bị tuột dây giày, anh ấy cúi xuống buộc hộ mình, còn bây giờ, giày của mình bị bong gót, anh ấy nói tỉnh bơ. “Phía trước có một thợ chữa giày. Em đến đó đi. Anh đợi ở đây”.
Trước đây mình chỉ nhức đầu, sổ mũi là anh ấy cuống cả lên, chạy mua thuốc, mua trái cây. Còn bây giờ mình bị cảm thì anh ấy hỏi: “Em đã uống thuốc cảm chưa?”. Các nhà tâm lý học gọi đây là tình thế “Cái mặt nạ rơi xuống”. Người nọ thấy thất vọng về người kia, thấy mình đã bị lừa và đây là trạng thái tâm lý nguy hiểm, có thể dẫn đến ly hôn.
Vợ chồng là bạn đời, gọi như thế là chính xác và bền vững nhất. Đã là bạn với nhau thì không ai có cơ hội để làm trẻ con cả.
(Tuổi Trẻ & Đời Sống)
Tính trẻ con của đàn ông và đàn bà
No comments:
Post a Comment