Những nắm đất quê hương được gieo xuống mộ phần Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ Quảng Bình.
Nước mắt tuôn trào dòng sông Gianh
Sau khi kết thúc lễ viếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vào sáng ngày 13/10, người dân đến đưa tiễn Đại tướng tại Quảng Bình đã đổ dồn về dọc con đường từ sân bay Đồng Hới ra Vũng Chùa – Đảo Yến, thuộc núi Rồng, xóm Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.
Điều trùng hợp khá ngẫu nhiên rất lạ mà theo như ông Đậu Minh Ngọc – Chủ tịch huyện Quảng Trạch cho biết: con đường từ sân bay Đồng Hới ra Vũng Chùa – Đảo Yến, linh cữu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi qua 103 làng xóm của TP. Đồng Hới, huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch, số làng xóm đó bằng chính tuổi thọ của Người.
Càng đến gần trưa, không quản thời tiết nắng nóng, người dân đổ về dọc hai bên đường càng đông, nhất là khu vực cổng sân bay Đồng Hới. Dòng người cứ nối dài từ Sân bay ra Vũng Chùa, ước tính chiều dài lên đến gần 70km.
Hòa với những người con xứ Quảng, cũng có rất nhiều người dân từ các địa phương khác cũng đến để tiễn biệt Đại tướng về cõi vĩnh hằng.
Những bức ảnh của Đại tướng, những vòng hoa, bó hoa được người dân đứng cầm chờ đợi. Những người cựu chiến binh một thời đi qua bão lửa mặc dù tuổi đã già sức đã yếu nhưng vẫn đầu trần đội nắng chờ Đại tướng.
Khi vừa nghe tiếng chiếc phi cơ ATR72, những cựu chiến binh này cố lấn lên để được nhìn vào sân bay với những dòng nước mắt nghẹn ngào. Có người cũng đã bước qua cái tuổi 90 và được con cháu dìu ra để tiễn Đại tướng.
“Bác ơi! Sao bác về quê mà lặng lẽ vậy Bác. Đồng bào và những bà con Quảng Bình đang chờ Bác, Bác ơi!” cả đoàn cựu chiến binh trước cổng sân bay Đồng Hới vừa đợi vừa gào khóc xót thương.
Đến hơn 12 giờ 30 ngày 13/10, đoàn xe chở linh cữu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dần dần lăn bánh ra khỏi cổng sân bay Đồng Hới. Lúc này tiếng khóc, tiếng gọi tên Đại tướng lại càng vang lên dữ dội. Đoàn xe đi đến đâu người dân ào ra vái lạy, vẫy tay tiễn biệt Người. “Lần này Người về nhưng người không còn vẫy tay chào đồng bào nữa. Người lặng lẽ quá Người ơi!”, một cụ già trong đoàn tiễn đưa Đại tướng khóc.
Khi đoàn xe vừa đi qua, cả một biển người đã chạy kéo theo đoàn xe tang như để cố níu kéo thêm một chút thời gian được ở bên Người lần cuối.
Đưa người về đất Mẹ
Quốc lộ 1A xuyên suốt từ Đồng Hới đến Vũng Chùa – Đảo Yến bị tắc nghẽn do số người đi tiễn Đại tướng quá đông.
Không chỉ có những người dân Quảng Bình, nhiều người đến từ Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Trị, Tây Nguyên … đã về đây tiễn biệt Người. Những cỗ xe được tết bằng vòng hoa, những dòng chữ, những tấm ảnh của Đại tướng đặt dọc hai bên đường để đón đoàn xe tang đi qua.
Khi đoàn xe đi đến huyện Bố Trạch, những em học sinh đã ra tận mép đường Quốc lộ cầm ảnh Đại tướng để tiễn biệt Người. Những người cựu chiến binh thì lập những bàn thờ nhỏ dọc hai bên đường để tri ân Đại tướng.
Những người Mệ (mẹ) của Quảng Bình lưng đã còng, mắt đã mờ cũng cố chống gậy từ trong làng ra đường Quốc lộ khóc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Rồi đoàn xe dần lăn bánh đi qua huyện Quảng Trạch. Tại đây nhiều người đã đến từ đêm trước để chờ lúc an táng Đại tướng. Các ngã 3, ngã 4 xe cộ chật kín khiến giao thông bị ách tắc.
Nhưng khi đoàn xe tang đi đến, người dân không ai bảo ai đã dẹp sang một bên để đoàn xe đi qua. Họ chỉ khóc và vái tay tiễn biệt Đại tướng.
Rồi dòng người đó lặng lẽ tiếp tục kéo theo đoàn xe tang về Vũng Chùa – Đảo Yến cùng với những tiếng khóc nức nở.
Phía trong Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ, hàng vạn người cũng đã đứng chật cứng khắp các nẻo đường và trên các quả đồi. Đến khu vực được an ninh bảo vệ họ mới dừng lại.
Không được vào tận nơi an táng Đại tướng, những người con ở Nghệ An vào viếng Đại tướng đã lập bàn thờ phía ngoài để người dân đến có thể thắp cho Đại tướng. Mỗi khi âm thanh làm Lễ của Ban tang lễ vang lên, cả vạn người đứng từ xa lại nức nở, kêu tên Người.
16 giờ ngày 13/10: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố tiến hành nghi thức an táng Đại tướng. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội thắp nhang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếp theo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và gia quyến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bỏ nắm đất xuống huyệt mộ của Đại tướng.
Hàng ngàn người dân có mặt tại khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến, đứng quanh huyệt mộ của Đại tướng theo dõi Lễ an táng. Mọi người đồng loạt chấp tay vái lạy, tiễn đưa vong linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
16 giờ 5: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát hiệu lệnh hạ huyệt. Đội tiêu binh bắt đầu chuyển linh cữu Đại tướng vào vị trí hạ huyệt.
16 giờ 25: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra hiệu lệnh lấp mộ. Các chiến sĩ và người dân dự Lễ an táng Đại tướng đứng xung quanh phần mộ của ông, trên tay mỗi người cầm một hoa cúc vàng.
Sau khi mộ phần được hoàn thành, theo hiệu lệnh tất cả dành một phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Ban tổ chức lễ tang và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói lời cám ơn với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và đặc biệt là nhân dân cả nước đã viếng, dự lễ truy điệu, đi đưa linh cữu và dự lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đi tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng nhiều người dân đã ôm theo di ảnh của Người, quyến luyến, nghẹn ngào như không muốn nói lời vĩnh biệt.
Tất cả đều đứng lặng người, nhòe nước mắt tiễn đưa vị Đại tướng huyền thoại – Anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng.
Sau khi lễ an táng kết thúc, rất nhiều người vẫn còn rơi nước mắt. Người dân muốn xích lại gần mộ phần Đại tướng hết sức có thể. Dòng người đi đến tận phần mộ để được đặt lên những cành hoa cúc vàng.
Đến 19h tối, nhiều người vẫn còn lưu luyến không muốn rời khu an táng. Họ muốn ở lại thắp nén hương cho Đại tướng. Trong đêm hôm qua, các chiến sĩ bộ đội và công an đã không ngủ để canh gác cho Đại tướng.
(Giáo Dục)
Quảng Bình đón Người về đất mẹ và sự trùng hợp rất lạ về "con số 103"
No comments:
Post a Comment