Nhựa bẩn sau khi qua các công đoạn tái chế sẽ biến thành các đồ gia dụng thiết yếu như hộp đựng cơm, thìa nhựa, hộp sữa chua… Loại hàng từ nhựa kém chất lượng này sẽ sản sinh chất độc BPA – nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, vô sinh, béo phì, ung thư…
Ngay từ sáng sớm, chúng tôi có mặt tại tại thôn Minh Khai, hay còn gọi là làng Khoai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là một mùi khét, không khí hôi đặc quánh bao phủ ngôi làng chưa đến 1000 hộ dân này.
Vào “vương quốc” chế nhựa bẩn
Phần vì lạnh, phần vì mùi hôi, chúng tôi vội lấy chiếc khẩu trang bịt kín mặt, lầm lũi tiến vào làng. Mỹ Duyên, cô bạn người bản đị đi cùng cho biết: “Cả làng cơ hơn nghìn hộ thì có 900 hộ trong làng sống bằng nghề tái chế rác.
Hàng ngày nhựa khắp nơi từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… được chở về đây. Chúng được chất cao ngất vào mọi khoảng trống có thể. Và cũng từ đây, vi khuẩn gây bệnh theo rác về làng”.
Trong vai một khách tìm mua hạt nhựa, chúng tôi vào cơ sở nhự DL, chị chủ tên Lan đon đả tiếp. Tưởng ăn được một khách sộp, chị không ngại ngùng giới thiệu chi tiết sản phẩm và công nghệ.
“Sau khi “rác tổng hợp” được phân loại và xay xong thì được phân thành 2 loại hạt nhựa là HD (high density) – một loại nhựa cao cấp, có độ dẻo, màu trắng trong giá 18.000 đồng/kg; và loại “bèo” hơn là nhựa PP (polypropylene)màu đục, có giá 11.500 đồng/kg. Nguyên liệu nhựa đã xay nhỏ được đổ từng mẻ vào lò nấu, nhựa nóng trên 100 độ C bắt đầu chảy ra theo các khuôn ống dây dẫn đường kính khoảng 2mm”, chị Lan nói.
Theo những ống dẫn này này chúng tôi thấy hệ thống làm lạnh bằng một loại nước đen ngòm để định hình hình các dây nhựa trước khi đưa đến máy cắt. Tại đầu máy cắt, dây nhựa được cắt thành từng mẩu nhỏ có kích thước khoảng 2mm, thành các hạt nhựa thành phẩm rồi đóng bao, chuẩn bị tái chế sản xuất thành đồ nhựa thành phẩm.
Nhựa HD sau khi cắt, phân loại riêng, bởi chúng có hạt màu trắng. Còn loại nhựa tạp thì hạt đen và giá cũng mềm hơn. Hàng tạp chỉ dùng để chế thành dây thừng, bao tải, hoặc đồ gia dụng như bàn ghế, xô, chậu… Riêng loại hạt nhựa HD, theo chị Lan. sẽ dùng để tái chế các sản phẩm tốt hơn như hộp nhựa, các lọ nhựa, thậm chí là chén, đũa, muỗng…
Trong xưởng, công nhân ngồi bệt trên nền đất, tay không bảo hộ tách hàng đống bao tải chứa “nhựa tổng hợp” từ bao bì nilong, các hộp nhựa, xốp đựng thực phẩm, nồi niêu, xô chậu nhựa… được dân ve chai thu gom về.
“Nhựa tổng hợp” bị ủ kín lâu ngày, hòa với những loại thực phẩm còn bám lại nên bốc mùi hôi tanh đến nồng nặc. Trong cái xưởng hẹp chừng 60m2, đủ các loại mùi khó chịu hòa lẫn, mùi rác thải, mùi nhựa tái chế khét lẹt, nóng hầm hập chạy xì xoạch inh tai, dù đã cố gắng chịu đựng hết sức nhưng cứ chừng 10 phút, chúng tôi phải rời ra ngoài vì không chịu được mùi đậm đặc trong xưởng.
Khó có thể tin được chỉ với một bể nước rộng chừng 3m2 lại là nơi “hóa rác” làm sạch hàng chục tấn nhựa, túi nilon bẩn. Sau khi máy “xé” rác thải (những túi nilon bẩn, đồ nhựa đã dùng rồi) được quay vòng trong bể nước rửa qua loa. Sau đó chuyển sang máy nấu có nhiệt độ 380 độ C để cho ra những giải nhựa mềm, rồi chuyển sang máy tạo hạt để thổi ra hạt nhựa.
Trung bình cơ sở sản xuất này làm ra trên dưới 2 tấn sản phẩm hạt nhựa. Cơ sở nhà chị Lan chỉ làm đến công đoạn này, sau đó bán lại sản phẩm cho các hộ gia đình khác để họ lấy hạt nhựa về tái chế ra túi nilon, đồ hộp bằng nhựa…
Theo chị Lan cho biết, những hạt nhựa tại cơ sở của chị là khâu tái chết đầu tiên, sau đó chuyển cho các hộ sản xuất các sản phẩm như hộp xốp đựng cơm, thìa nhựa, hộp sữa chua, túi nilon… trong làng.
Rời xưởng của chị Lan, chúng tôi ghé thăm một xưởng sản xuất hộp đựng cơm, thìa nhựa, hộp sữa chua, túi nilon thuộc diện lớn nhất làng. Ban đầu, anh Nguyễn Văn H, chủ xưởng khẳng định, sản phẩm của anh chủ yếu làm từ các hạt nhựa cao cấp đủ an toàn vệ sinh được nhập khẩu.
Tuy nhiên sau một hồi phân bua anh cũng phải thừa nhận, nếu dùng toàn nguyên liệu này thì giá cả rất cao, khó cạnh tranh với các hộ khác trong làng. Để tăng lợi nhuận, hộ của anh cũng như các hộ sản xuất hộp cơm, thìa nhựa, ống hút… trong làng thường trộn các loại hạt nhựa của các hộ trong làng vào. Biết là toàn nhựa mất vệ sinh nhưng vẫn làm.
Còn các loại túi nilong mà các bà nội trợ hay dùng để đựng thức ăn thì hoàn toàn được làm từ hạt nhựa bẩn của người làng Khoai thu mua. Anh cho hay: “Loại nhựa này rất bẩn từ khâu tẩy rửa rác thải họ chỉ được làm qua loa, nhiều cơ sở còn bỏ qua công đoạn này, cứ thế cho vào sản xuất…”.
Biết sản phẩm của mình sản xuất từ các loại nhựa bẩn, người dân nơi đây chẳng mấy ai dùng sản phẩm “make in Làng Khoai”. Bởi theo họ, không chỉ nó gây hại cho sức khỏe người dùng, mà còn vì sự mất vệ sinh trong quá trình làm hạt nhựa.
Sau đó chúng được đi tiêu thụ tại các vùng trong cả nước chứ người dân sản xuất nhất quyết không dùng sản phẩm của mình
Một hộ dân trong làng chia sẻ: “Cứ nhìn thấy những sản phẩm của làng tôi là trong tôi lại đầy ắp hình ảnh những bao tải nhựa rác để lâu ngày, bám đầy đất cát, thậm chí cả phân động vật được đưa vào dây chuyền sản xuất…”
Anh H chia sẻ thêm: “Trong gia đình, không có một vật dụng nào mang tên “nhựa tái chế”. Là người từ nhỏ đã tiếp xúc với nhựa, rác thải nên chỉ nhìn qua là tôi phân biệt được sản phẩm nào được làm từ các loại hạt nhựa cao cấp và sản phẩm nào làm tự hạt nhựa tổng hợp. Vợ tôi đi chợ cũng đem theo đồ đựng thức ăn riêng”.
Kinh khủng hơn, nhiều hộ sản xuất trong làng còn mua bột nhựa có nguồn gốc từ rác thải y tế về sử dụng để tái chế thành các đồ gia dụng như thìa nhựa (loại bán kèm xuất cơm hộp) và hộp đựng sữa chua.
Khảo sát của phóng viên với 10 người dân làng Khoai thì cả 10 người đều trả lời rằng: “Không bao giờ đựng thức ăn bằng các sản phẩm làm từ nhựa tái chế. Không sử dụng ống hút, thìa nhựa,…”
Gánh nặng bệnh tật đổ lên đầu người dùng
Trước tình trạng nguy hại từ các vật dụng được tái chế này, nhưng người tiêu dùng vẫn khá thờ thơ. Nhiều người cho rằng hộp nhựa nào cũng giống nhau nên chọn dùng hộp nhựa cũ, chất lượng kém để đựng cơm.
Tuy nhiên theo một chuyên gia y tế khẳng định, điều này gây hại rất lớn đến sức khỏe, bởi các loại nhựa sau một thời gian sử dụng và dùng chất tẩy rửa để làm sạch thường để lại vết trầy xước và ngả màu. Đây không những là nơi tích tụ vi khuẩn, gây ra các triệu chứng như đau bụng, nhức đầu, ngộ độc… Đối với các hộp làm từ nhựa kém chất lượng sẽ sản sinh chất độc BPA (nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, vô sinh, béo phì, ung thư…).
Ngay cả việc sử dụng hộp nhựa đi kèm với sản phẩm như: hộp đựng kem, bình đựng sữa, bình đựng nước ngọt, hộp đựng thức ăn chế biến sẵn… thì vẫn có nguy cơ bị nhiễm độc. Nhà sản xuất đã dùng nguyên liệu và áp dụng công nghệ cho loại nhựa sử dụng 1 lần, an toàn khi bảo quản ở đúng nhiệt độ ghi trên nhãn sản phẩm; nên khi vệ sinh hộp, tái sử dụng ở nhiều nhiệt độ khác nhau sẽ sản sinh độc tố và gây hậu quả tương tự như việc sử dụng các loại hộp nhựa cũ, nhựa kém chất lượng.
Đặc biệt, thức ăn còn đang nóng không nên đựng trong hộp nhựa có mức chịu nhiệt thấp và đậy kín nắp vì có thể dẫn tới việc thực phẩm có mùi lạ (ảnh hưởng bởi mùi nhựa), dễ bị thiu, ôi và gia tăng áp suất gây khó khăn khi mở hộp. Nguy hiểm hơn, khi ở trong môi trường nhiệt độ cao, hộp nhựa sẽ sản sinh độc tố BPA cao gấp nhiều lần so với điều kiện thường.
Việc tái sử dụng loại nhựa dùng 1 lần hay đựng nước, thực phẩm nóng cho các loại nhựa có mức chịu nhiệt thấp… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Do đó, khi mua hộp nhựa đựng cơm nên chọn nhựa tốt, kín hơi để tránh rỉ nước, tránh mua hộp nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi chú rõ ràng về nguyên liệu nhựa.
Có thể nhận biết chất lượng nhựa bằng cách nhìn dưới đáy hộp. Ở mỗi sản phẩm nhựa, phía dưới đáy đều có biểu hiện nguyên liệu nhựa thông qua các ký hiệu. Trong đó, có 2 loại nhựa được khuyên dùng để đựng thực phẩm là nhựa PP và tritan. Nhựa PP (ký hiệu số 5) có màu hơi đục, khá dẻo; nhựa tritan (ký hiệu số 7 giống ký hiệu nhựa của PC) có độ trong suốt hơn nhựa PC, trong suốt như thủy tinh và có ký kiệu BPA free (không có BPA). Hiện nay, trên thị trường có rất ít sản phẩm làm bằng nhựa tritan do giá thành nguyên liệu đắt hơn các loại nhựa khác. Tuyệt đối không sử dụng nhựa PC (cũng có ký hiệu số 7) vì đây là loại sản sinh chất BPA.
(BNDT)
Nguy cơ vô sinh vì dùng vỏ cơm hộp, thìa nhựa tái chế
No comments:
Post a Comment